Theo dõi trên

Trước nguy cơ bùng phát dịch cao tại TP. Phan Thiết: Phải làm gì khi “thời điểm vàng” đã mất

26/10/2021, 18:50

BT- Tình hình dịch Covid-19 ở TP. Phan Thiết trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp. Đặc biệt là nguồn lây ngoài cộng đồng còn nhiều và khó bóc tách. Vấn đề đặt ra là phải làm gì trước nguy cơ bùng phát dịch cao, trong khi “thời điểm vàng” đã mất?

Các ngành chức năng TP. Phan Thiết kiểm soát việc người dân ra vào vùng đỏ.

Bỏ phí thời điểm vàng

Trong đỉnh dịch Covid-19 tại Bình Thuận diễn ra vào  cuối tháng 8, đầu tháng 9 có 2 địa phương trong tỉnh là vùng đỏ gồm TP. Phan Thiết và thị xã La Gi. Sau một thời gian triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch thì ngày 8/9, TP. Phan Thiết được nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường thêm một số biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp đó, ngày 16/9, thị xã La Gi cũng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Vào thời điểm này, theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình dịch Covid-19 ở thị xã La Gi diễn biến phức tạp hơn TP. Phan Thiết. Nhưng với sự vào cuộc của các ngành chức năng đặc biệt là việc tiến hành các biện pháp tầm soát cộng đồng, tiến hành xét nghiệm rộng, kỹ toàn bộ người dân trên địa bàn, đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh ở thị xã La Gi đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều ngày qua trên địa bàn thị xã không ghi nhận ca mắc mới. Điều này cho thấy thị xã La Gi đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế và của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh là xét nghiệm tầm soát cộng đồng theo phương châm: Thần tốc và triệt để.

Trở lại TP. Phan Thiết, sau khoảng 2 tuần thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì các ổ dịch cũ bắt đầu bùng phát trở lại. Điều này cho thấy việc xét nghiệm tầm soát cộng đồng của hơn 1 tháng thực hiện Chỉ thị 16 trước đó chưa đạt được mục tiêu chung đề ra, do đó còn để sót nguồn lây trong cộng đồng. Trong đợt bùng phát dịch thứ 2 trên địa bàn thành phố vào cuối tháng 9, tại phường Phú Tài ngành chức năng đã phát hiện ra có những trường hợp đại diện gia đình đi xét nghiệm cộng đồng đến 3 lần, trong khi những thành viên khác trong gia đình lại chưa được xét nghiệm lần nào. Dù thời điểm trước đó, Phú Tài là khu vực có nguy cơ rất cao. Trước diễn biến phức tạp của các ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, ngày 29/9 là phường Phú Tài, ngày 4/10 là 6 xã, phường khu vực phía nam sông Cà Ty, ngày 7/10 là phường Phú Hài phải áp dụng giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Trong suốt quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 và các ngành chức năng đã liên tục đề cập trong các cuộc họp về việc triển khai tầm soát cộng đồng, đặc biệt là ở các khu vực vùng đỏ phải nhanh hơn chu kỳ lây nhiễm của vi rút và thực hiện triệt để không bỏ sót 1 người dân nào trong các khu vực thực hiện Chỉ thị 16. Ngành y tế đã huy động lực lượng từ các huyện khác trong tỉnh về để giúp Phan Thiết thực hiện việc tầm soát. Tuy nhiên, việc tầm soát bóc tách nguồn lây trong cộng đồng tại TP. Phan Thiết vẫn chưa mang lại hiệu quả cao vẫn còn để sót F0 ngoài cộng đồng. Bằng chứng là 2 phường Hưng Long và Phú Hài vẫn đang là vùng đỏ (cấp 4) với số ca mắc trong cộng đồng diễn biến rất phức tạp.

“Rất tiếc là TP. Phan Thiết đã bỏ qua 2 thời điểm vàng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thời điểm đầu tiên là khi áp dụng Chỉ thị 16 toàn thành phố, thời điểm thứ 2 là lúc áp dụng Chỉ thị 16 ở một số khu vực trên địa bàn. Vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi một số ổ dịch cũ bùng phát trở lại thì dịch bệnh vẫn còn khu trú tại một số phường. Nếu Phan Thiết thực hiện tốt việc tầm soát thì nguồn lây ngoài cộng đồng có thể đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan và chủ quan việc xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng chưa đạt hiệu quả cao. Từ những nguồn lây còn sót lại này đã lây nhiễm ra nhiều trường hợp khác. So với những địa phương khác của tỉnh thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại TP. Phan Thiết đang ở mức cao nhất”, ông Đinh Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao

Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thực hiện nhiệm vụ kép vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế. Việc tổ chức các biện pháp phòng chống dịch có những thay đổi và khó khăn hơn trước đây; cùng với việc đi lại, lưu thông trao đổi hàng hóa giữa các vùng, địa phương với nhau đã cơ bản thông thoáng. Sẽ làm gia tăng  nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác nếu không kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo đánh giá của ngành chức năng thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở các địa phương trong tỉnh là cao hơn so với trước đây. Trong đó, TP. Phan Thiết là địa phương có nguy cơ bùng phát dịch cao nhất. “Quy mô và mật độ dân số tại TP. Phan Thiết hiện nay là cao nhất cả tỉnh. TP. Phan Thiết là trung tâm kinh tế của tỉnh nên thành phố không chỉ đối diện nguy cơ lây nhiễm bên trong mà còn cả từ bên ngoài vào. Vì vậy, TP. Phan Thiết cần đẩy mạnh việc tiêm chủng vắc xin cho người dân và thực hiện 5K đầy đủ. Đây là những giải pháp quan trọng hàng đầu để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, thành phố cũng cần thực hiện tốt việc khoanh vùng phong tỏa, tầm soát xét nghiệm với những đối tượng có nguy cơ cao để sớm phát hiện những nguồn lây nhiễm ngoài cộng đồng”, ông Đinh Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề xuất.

Sẽ hỗ trợ cao nhất cho Phan Thiết

Trước nguy cơ bùng phát dịch trở lại tại TP. Phan Thiết, Chủ tịch UBND Lê Tuấn Phong khẳng định:  Hiện nay, chúng ta không xét nghiệm diện rộng toàn dân, nhưng mỗi ngày TP. Phan Thiết phát sinh nhiều ca mắc trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, đặc biệt từ khi các hoạt động được mở trở lại theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Do vậy, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ cao nhất cho Phan Thiết chống dịch để sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Giải pháp trước tiên là nhanh chóng bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho thành phố, UBND tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP. Phan Thiết, tập trung tiêm cho người trên 65 tuổi, người bị bệnh nền, phụ nữ mang thai, người có nguy cơ cao và người ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP. Giải pháp thứ 2 là kiểm soát chặt chẽ người dân ở các xã, phường vùng đỏ, vùng cam, hạn chế người từ vùng đỏ, vùng cam di chuyển sang các vùng khác. Giải pháp thứ 3 là kiểm soát chặt chẽ người từ các tỉnh, thành khác đến TP. Phan Thiết, không để xuất hiện thêm nguồn lây nhiễm mới. Giải pháp thứ 4 là yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5K, tránh tư tưởng chủ quan, hạn chế tập trung đông người, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của chính quyền. Xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của TP.Phan Thiết phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, tránh tư tưởng "sống chung với Covid-19" nhưng lại chủ quan lơ là, trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp. Năng lực y tế của tỉnh ở mức trung bình, nếu bùng phát dịch vài trăm ca mỗi ngày sẽ không thể đáp ứng nổi ở khâu điều trị. Cả hệ thống chính trị TP. Phan Thiết phải vào cuộc quyết liệt vì Phan Thiết đã bỏ lỡ cơ hội vàng để khống chế dịch hoàn toàn. Ngành y tế thành phố tập trung tiêm vắc xin cho nhân dân. Đối với vùng đỏ, vùng cam phải kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân, không để lây nhiễm sang các xã, phường khác. Tiếp tục xét nghiệm ngẫu nhiên trong vùng đỏ, vùng cam và nhóm người có nguy cơ cao theo chỉ đạo của UBND tỉnh để nhanh chóng phát hiện ca mắc trong cộng đồng. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt là những dịch vụ không cho phép hoạt động theo cấp độ dịch.

Song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của ngành chức năng thì người dân trên địa bàn TP. Phan Thiết không được chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Với biến chủng virus mới, tốc độ lây nhiễm còn cao hơn nhiều so với những biến chủng trước đó, với nguồn lây nhiễm còn trong cộng đồng trong khi các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh của người dân đang mở thoáng theo tinh thần Nghị quyết 128 thì thời điểm này lại là thời điểm rất dễ bị lây nhiễm Covid-19, nên rất cần người dân ý thức hơn, trách nhiệm hơn, thực hiện nghiêm túc hơn các biện pháp phòng, chống dịch. Chỉ một phút chủ quan là người dân hoàn toàn có thể nhiễm SARS-CoV-2. Ngay cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh và lây cho người khác. Cùng với đó, người dân cần tuân thủ 5K khi ra ngoài. Theo tính toán của ngành y tế, một người dân chỉ cần tuân thủ đầy đủ 5K khi ra đường đã giảm tỉ lệ lây nhiễm từ 50 đến 60%.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước nguy cơ bùng phát dịch cao tại TP. Phan Thiết: Phải làm gì khi “thời điểm vàng” đã mất