Theo dõi trên

Tuy Phong: Lùm xùm chuyện mua bán đất

21/02/2017, 09:30 - Lượt đọc: 97

BT - Năm 2016, dù còn nhiều khó khăn nhưng UBND huyện Tuy Phong đã nỗ lực trong quá trình thực hiện Đề án 920 của tỉnh, cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, tình hình đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, mua bán của địa phương này vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở khu vực Bình Thạnh, Liên Hương.

Năm qua, huyện Tuy Phong đã cấp giấy chứng nhận được 102,24 ha, đạt 176% chỉ tiêu của tỉnh giao. Trong đó đất nông nghiệp 88,22 ha/50 ha, đất phi nông nghiệp 14,02 ha/8 ha, đất đô thị 2,52 ha, đất ở nông thôn 11,50 ha. Riêng thực hiện dự án tổng thể theo Quyết định số 2264/QĐ-UBND ngày 3/8/2016 của UBND tỉnh, theo đó đối với những hồ sơ cấp mới (xét tính pháp lý, xác nhận vào đơn đăng ký của các xã, thị trấn) được 8.929 thửa. Tính đến 31/12/2016  Văn phòng đăng ký đất đai đã tổ chức thẩm định các hồ sơ cấp mới được 12.095 thửa. Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm và ngày càng nhiều khó khăn phát sinh nhưng Tuy Phong cũng đã tập trung kịp thời giải quyết theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên ông Võ Việt Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường cũng nhìn nhận còn không ít khó khăn: Tỷ lệ người đăng ký cấp mới giấy chứng nhận còn thấp (Liên Hương, Vĩnh Tân). Một phần khác, việc luân chuyển hồ sơ của các xã, thị trấn sau khi đã công khai thủ tục tại các địa phương chuyển cho Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai còn chậm. Thực tế khách quan một phần do hồ sơ cấp mới, cấp đổi nhiều nhưng thời gian thực hiện trong năm quá ngắn.

         
   

      

      Thửa đất đang xảy ra    chuyện lùm xùm giữa ông Cang và gia đình ông Vân.

Mặc dù đã cố gắng nhưng trên thực tế, tại các địa phương trên địa bàn Tuy Phong như Liên Hương, Bình Thạnh từ ngày thực hiện theo Đề án 920, việc lấn chiếm đất ở, mua bán đang diễn ra âm ỉ. Nhiều vụ mua bán, sang nhượng được thực hiện trao tay. Như trường hợp của ông Võ Ngọc Vân - nguyên Bí thư xã Bình Thạnh. Theo ông Vân trình bày: Ngày 24/5/2016 có bán cho ông Lê Chí Cang thửa đất 14.307 m2 với số tiền 1.350 triệu đồng. Việc mua bán này được thực hiện theo phương thức một bên giao tiền, một bên giao sổ đỏ. Sau đó, ông Cang mời công chứng viên đến nhà ông Vân làm hợp đồng chuyển nhượng. Theo hợp đồng chuyển nhượng được lập ngày 14/11/2016 cũng chỉ là 14.307 m2, nhưng giá tiền chỉ là 500 triệu đồng. Đây là hình thức trốn thuế phổ biến nhất hiện nay trong việc sang nhượng đất đai hiện nay ở các địa phương. Sau đó, ông Cang lại mang đến nhà ông Vân một giấy mua bán đất, cho rằng đã mua 2 thửa đất của ông Vân, nếu ông Vân có bán 2 thửa thì tổng diện tích cũng không đúng với thực tại. Ông Vân bức xúc: “Tôi bây giờ sức khỏe không cho phép, nhưng tôi cam đoan chỉ sang nhượng một thửa đất cho ông Cang diện tích 14.307 m2, không hiểu giấy mua bán đất ông Cang lấy ở đâu ra, hoặc giấy tờ này được làm bằng cách gì đó, gia đình tôi cũng đang làm đơn nhờ làm rõ mảnh giấy này. Khi vợ tôi lên xã yêu cầu xin bản chính của tờ giấy mua bán này, xã lại bảo mất” - ông Vân nói. Hiện vụ việc vẫn chưa có hồi kết.

Tương tự, ngày 13/12/2016, vợ chồng ông Tô Minh Phụng và bà Ngô Thi Thu, làm giấy nhận cọc bán miếng đất 4.500 m2 với giá 1,2 tỷ đồng cho ông Đào Nguyên Tính, Phạm Thùy Luyến (Hưng Long, TP. Phan Thiết) bằng tờ giấy viết tay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây khi ông Phụng, bà Thu đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đều được UBND xã, đến UBND huyện Tuy Phong trả lời không có cơ sở pháp luật để cấp quyền sử dụng đất. Vậy vì đâu mà những con người ở khác địa phương lại có thể dùng khoản tiền lớn để mua thửa đất này?! Liệu có phải hiện nay đang tồn tại đường dây đầu cơ, mua bán đất trái phép tại UBND xã Bình Thạnh hay không?

 Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Lùm xùm chuyện mua bán đất