Theo dõi trên

Vắc - xin chống sợ hãi

08/12/2017, 10:26

BT- Một bà nông dân vừa dán mắt vào màn hình iphone 4s, tay quẹt quẹt lia lịa, vừa nói với tôi: Sợ quá! Ăn gì cũng sợ bị độc. Uống gì cũng sợ bị nhiễm chất này chất kia. Ra đường sợ tai nạn giao thông. Ở nhà sợ bọn ngáo đá đột nhập. Cháu sợ bà giết khi bà tin thầy bói... Sáng, mở mắt đã bị sức ép rồi, riết rồi cũng sợ đọc báo luôn. Tình tiền tù tội bùng nhùng dày đặc trên các trang, không tin nổi vào mắt mình nữa. Đóng cửa ở trong nhà cũng không hết sợ...

Không chỉ ở thành phố lớn mà những nỗi sợ hãi ngày càng lan tới tận các miền quê xa xôi, nó tạo thành sự bất an thường trực trong tâm trí những con người vốn chất phát, thật thà, chỉ quen với sự bình yên khổ nhọc một nắng hai sương. Một phần do tác dụng “dao hai lưỡi” của các trang mạng xã hội, phần khác do cách làm báo, đa phần cố tình giật tít câu view, “đánh hùa” và quan trọng hơn hết là người miền quê, đa phần chưa “tiêm vắc-xin chống sợ hãi”.

Trên thế giới, việc gây miễn dịch vi khuẩn này bằng một loại vi khuẩn khác là chuyện không mới. Xa hơn nữa, vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, vua Mithridate VI mỗi ngày đều uống một lượng nhỏ độc chất cho cơ thể quen dần nhằm đương đầu với nguy cơ bị ám sát. Khi ông vua này thất trận và tự sát, liều thuốc độc ông ta uống vào chẳng có tác dụng gì. Có lẽ đó là câu chuyện tăng hiệu quả đề kháng, đưa một chất vào cơ thể để bảo vệ cơ thể bằng cách làm cho cơ thể bị một dạng bệnh nhẹ, đầu tiên nhất mà loài người biết được.

Ở ta, từ lâu, câu nói “sống chung với lũ” đã trở thành câu cửa miệng của mọi người. “Sống chung với lũ” chỉ sự thích nghi với điều kiện sống, hoàn cảnh môi trường xung quanh, làm quen, chấp nhận những điều kiện khó khăn bất lợi mà sống chung đương đầu với nó, luôn sẵn sàng trong mọi tình thế. Theo nghĩa đen ban đầu thì lũ ở đây là nước lũ tràn về hàng năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Người dân quê vốn rất giỏi sống chung với lũ theo nghĩa đen nhưng lại lúng túng, bất an khi buộc phải đối mặt với những vấn nạn xã hội nhan nhãn trước mắt trong thời hiện đại.

Hồi còn đi học, thế hệ chúng tôi ai cũng có những dấu sẹo trên cánh tay, ai cũng quen với những đợt tiêm chủng, ai cũng hiểu tại sao phải làm vậy là tốt cho sức khỏe, là tránh bệnh tật. Và thực tế là bệnh dịch tả, đậu mùa lúc đó đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Từ câu chuyện y học với lịch sử chống bệnh dịch suy ra câu chuyện xã hội của ta ngày nay cũng cần lắm thay sự phòng bệnh theo cách ghi nhớ của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch nhận diện vắc-xin là vật lạ nên hủy diệt chúng và “ghi nhớ” chúng. Về sau, khi tác nhân gây bệnh thực thụ xâm nhập cơ thể, hệ miễn dịch đã ở tư thế sẵn sàng để tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng hơn và hữu hiệu hơn bằng cách huy động nhiều thành phần của hệ miễn dịch, đặc biệt là đánh thức các tế bào lympho nhớ.

Nên theo tôi nghĩ, biết trước các loại tội trạng ngày nay, biết trước các thủ đoạn của tội trạng ngày nay, ghi nhớ chúng cũng là cách phòng ngừa hữu hiệu, một cách “tiêm vắc-xin chống sợ hãi”. Tuy nhiên việc chọn các tờ báo uy tín để đọc, loại bỏ các trang lá cải, nhảm nhí ra khỏi điện thoại, ipad, laptop của mình là việc làm cần thiết đầu tiên. Cuộc đời vẫn đang rất trữ tình, vẫn đang tiếp diễn rất nhiều nỗ lực của toàn xã hội, vẫn còn đó rất nhiều mảng sáng lương thiện và văn minh! 

NguyỄn Tân HẢi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc - xin chống sợ hãi