Theo dõi trên

Vì sao lao động ở Đức Linh dồn về Xuân Lộc?

10/04/2019, 09:42 - Lượt đọc: 18

BT-2 huyện thuộc 2 tỉnh giáp giới nhau nhưng có mức lương cơ sở chênh lệch như vậy sẽ khó tránh khỏi sự di dời công việc ồ ạt như năm qua. 

                
Ảnh: N.Lân

2,9 triệu và 3,7 triệu đồng

Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 40 lao động ở các nông trường của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận xin nghỉ việc. Lý do mà ai cũng biết là giá mủ xuống thấp, tính chất nghề lại làm thời vụ, thu nhập không cao bằng các năm trước. Còn đi vào ngõ ngách của nghề thì thấy phần lớn công nhân xin nghỉ làm việc tại các nông trường có cây cao su đã bước vào giai đoạn già nên việc cạo mủ, chăm sóc nhọc nhằn hơn ở các nông trường có cây còn non, đang trưởng thành. Lao động xin nghỉ hàng loạt tại đơn vị này không phải chuyện mới mà điều đó đã xảy ra từ năm 2018 với số lượng công nhân xin nghỉ việc lên gần 200 người.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, bên cạnh số người xin nghỉ việc cũng có số người xin vào công ty làm. Tuy nhiên, số xin vào không đủ bù người xin ra nên trong mùa cạo năm 2018, công ty phải giảm bớt ngày cạo. Nếu trước đây, cứ 3 ngày cạo một lần thì giờ phải chờ đến 4 ngày hoặc 5 ngày mới cạo. Do đó, sản lượng mủ giảm, giá mủ lại không tăng nên nhiều khó khăn.

Điều đáng nói, cao su mất giá, các cây con khác chủ lực trên địa bàn Đức Linh cũng không khả quan gì. Như tiêu thì đã chết nhiều, điều cũng không cho thu hoạch hạt được là bao, giá heo xuống thấp, lúa cũng thế. Vậy những lao động này xin nghỉ việc sẽ làm gì, khi mà Công ty May Nhà Bè - Đức Linh đã ổn định lượng lao động lâu nay?

Nhiều người dân ở Đức Linh cho biết, không chỉ lao động bên cao su, nhiều người dân lâu nay làm nông, từ năm ngoái đã xin vào làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở ngoài Xuân Lộc (Đồng Nai). Lý giải cho việc lựa chọn công việc ở xa, sáng đi sớm, chiều về muộn, hầu hết họ đều nói mức lương cơ sở mà các doanh nghiệp, đơn vị ở đây trả cho người lao động thuộc vùng 2, tức hơn 3,7 triệu đồng. Trong khi đó, Đức Linh thuộc vùng 4 nên mức lương cơ sở mà các doanh nghiệp trên địa bàn huyện trả chỉ hơn 2,9 triệu đồng. 

Giữ chân công nhân?

Việc 2 huyện thuộc 2 tỉnh giáp giới nhau nhưng có mức lương cơ sở chênh lệch như vậy sẽ khó tránh khỏi sự di dời công việc ồ ạt như năm qua. Chính vì thế, các doanh nghiệp trên địa bàn Đức Linh đã có chế độ chính sách cho người lao động tốt hơn. Cụ thể, tạicông ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận đã vận dụng hết mọi chủ trương, chính sách để quan tâm đến người lao động từ vật chất đến tinh thần, môi trường làm việc hài hòa, khuyến khích sáng tạo vượt khó khăn. Như năm ngoái, theo báo cáo của công ty, dù giá mủ vẫn chưa cao nhưng thu nhập bình quân của người lao động là 6,9 triệu đồng. Song song đó là hàng loạt chương trình của công đoàn quan tâm đến người lao động như tăng điều chỉnh đơn giá tiền lương lên 9.000 đồng/kg, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, có con vượt khó học giỏi… và cả những việc nhỏ nhất như tặng mùng chống muỗi cho người lao động thường xuyên ngủ qua đêm trên lô cao su. Ngoài ra, còn tổ chức cho người lao động đi tham quan, du lịch với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng…

Ông Trần Đình Thi, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và xã hội Đức Linh cũng cho rằng, việc di dời việc làm là bình thường, vì xuất phát từ nhu cầu của người lao động. Câu chuyện một số công nhân đã làm ở khu vực Xuân Lộc – Đồng Nai 3 - 4 năm nay, giờ có mức lương hơn 10 triệu đồng đã khiến người lao động tại Đức Linh suy nghĩ về một sự thay đổi cho hiện tại. Nhưng nếu so mấy năm trước, khi cao su có giá được thì mức thu nhập ấy không bằng tại công ty cao su. Vì vậy, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp trên địa bàn Đức Linh có chế độ chính sách cho người lao động tốt hơn thì sẽ góp phần giữ chân nhân công, vì địa bàn Xuân Lộc ngành nghề chính cũng chỉ là may giày da xuất khẩu…

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao lao động ở Đức Linh dồn về Xuân Lộc?