Theo dõi trên

Vì sao trung tâm Manta hoạt động trong xập xệ?

19/03/2019, 09:01

Bài 1: Bà tiến sĩ và khát khao với môn thuyền buồm ở Mũi Né

BT - Thành lập từ thập niên trước – thời hầu như người Việt Nam nói chung và Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận nói riêng còn xa lạ với môn thể thao thuyền buồm. Xuất phát từ một nữ tiến sĩ gốc Anh – với khát khao đưa Mũi Né ra thế giới; cũng như dạy kỹ năng sinh tồn trên biển cho trẻ em, tạo kế sinh nhai cho người dân địa phương. Thế nhưng nhiều năm nay, trung tâm này không thể hoạt động và giậm chân tại chỗ.

Tiến sĩ Julia Caroline Shaw hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em qua môn thể thao thuyền buồm.

Nhà sáng lập nhiệt huyết

Thành lập vào năm 2009, tại số 108 Huỳnh Thúc Kháng, phường Mũi Né, bởi tiến sĩ thực vật học người Anh Julia Caroline Shaw (55 tuổi). Trung tâm này còn gọi trung tâm huấn luyện thuyền buồm Manta - MANTA Sail Training Centre, tên giấy phép kinh doanh là Công ty TNHH Cánh buồm Cá Đuối. Bà Julia – người có chứng chỉ huấn luyện thuyền buồm quốc tế đã dồn hết sức lực, tiền của vào đây, với mong muốn đưa môn thể thao cảm giác mạnh này vào Việt Nam. Qua đó, dạy kỹ năng sinh tồn trên biển cho trẻ em, giúp đỡ ngư dân Mũi Né – những người khó khăn về nghề biển.

Với khoản tiền đầu tư hơn 107.000 USD (khoảng hơn 2 tỷ đồng tiền Việt) vào thời điểm đó không phải là nhỏ. Bà Julia chia sẻ, vịnh Mũi Né rất phù hợp cho môn thể thao thuyền buồm, lướt ván buồm. Khí hậu nắng gió, nhưng mát mẻ, người dân hiền hòa, hiếu khách, và nhiều yếu tố khác tuyệt vời khiến bà cảm mến vùng đất này, nên đầu tư không hề so đo, toan tính.

Không giống với các trung tâm thể thao biển khác ở Mũi Né, trung tâm huấn luyện thuyền buồm Manta (trung tâm Manta) chủ yếu huấn luyện cho ngư dân địa phương. Theo bà Julia, ngư trường đánh bắt đang bị thu hẹp, ngư dân Mũi Né nhiều người thất nghiệp nên cần có việc làm. Những ngư dân sau khi được đào tạo sẽ hướng dẫn cho du khách và sẽ được cử đi tham gia các giải đua thuyền trong và ngoài nước. Là người quen biết rộng trên trường quốc tế, bà đã hợp tác với Ủy ban Olympic quốc tế và Ủy ban lái thuyền buồm quốc tế, đưa nhiều khóa học lái thuyền buồm về tổ chức tại trung tâm. Ngoài ra, còn có không ít khóa học kỹ năng sinh tồn trên biển cho học sinh từ các trường quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh.

Góp phần đưa Mũi Né ra thế giới

Cũng như các trung tâm thể thao khác ở Mũi Né, trung tâm Manta đã thu hút rất nhiều du khách quốc tế, trong đó có không ít bạn bè của bà Julia về nghỉ dưỡng và học lái thuyền buồm. Chính điều kiện tự nhiên và sự nở rộ của các môn thể thao cảm giác mạnh, trong đó có thuyền buồm, nhiều khách châu Âu và trên thế giới đã biết đến Mũi Né nhiều hơn. Quay ngược thời gian, có lẽ thời điểm tổ chức nhiều lễ hội thi đấu thể thao biển ở Mũi Né nhất là từ năm 2010 trở đi. Như một số lễ hội Festival “Nữ hoàng biển xanh” vào tháng 10/2010, thu hút sự tham dự của khoảng 20 đội tuyển thuyền buồm đại diện cho khoảng 20 quốc gia… Tiếp đến năm 2011, là Festival thuyền buồm với chủ đề: “Thuyền, biển, cát vàng và mặt trời”, thu hút hơn 100 tuyển thủ của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hầu như tất cả các lễ hội, trong trung tâm hay câu lạc bộ thể thao biển ở Hàm Tiến – Mũi Né, trung tâm Manta cũng đều tham gia và cùng tổ chức.

Không chỉ thế, nhiều năm qua trung tâm này không ngừng tìm cách đưa các huấn luyện viên đi tham gia các giải thuyền buồm quốc tế. Trong đó gần nhất là Giải Lướt ván buồm Windsurfing RS: One vô địch thế giới, hay Giải Đua thuyền buồm Sailing Việt Nam mở rộng tổ chức ở Hội An năm qua, khi trung tâm Manta đại diện cho Bình Thuận đi tham dự giải với 2 vận động viên Trần Quốc Phụng (SN 1993) và Nguyễn Văn Rớt (SN 1988). Những đóng góp đó đã góp phần đưa hình ảnh Mũi Né sáng hơn trên bản đồ du lịch thế giới.

Lê Ninh

 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao trung tâm Manta hoạt động trong xập xệ?