Theo dõi trên

Thấu hiểu nỗi đau da cam

16/08/2018, 08:35 - Lượt đọc: 4

LTS: Là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Bình Thuận đã được kết nối với xã hội. Từ đó giúp họ và gia đình vơi bớt nỗi đau, hòa nhập với cộng đồng.

“Vòng tay lớn” từ xã hội

BT- Từ khi thành lập (tháng 8/2005) đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Bình Thuận đã luôn “sát cánh kề vai” đồng hành với  những người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin ở Bình Thuận, nhất là từ khi có Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 36 (năm 2015) của Tỉnh ủy Bình Thuận về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3693 đề ra nhiệm vụ củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp. Để nối “vòng tay lớn”, Tỉnh hội Bình Thuận đã chỉ đạo các cấp hội tích cực phối hợp với các ngành liên quan tiến hành điều tra, khảo sát phân loại đối tượng, khảo sát thực tế cuộc sống và phản ánh những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân; tư vấn, giúp lập hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân là những người tham gia kháng chiến.

                
Hội Nạn nhân chất độc da cam Bình Thuận    tặng nhà tình nghĩa cho gia đình nạn nhân.

Từ các hoạt động đó đã góp phần động viên, giải quyết nhu cầu cấp thiết cho nhiều gia đình nạn nhân, đặc biệt các gia đình có nhiều khó khăn. Từ đó tổ chức hội trở thành chỗ dựa tin cậy, và là cầu nối giữa nạn nhân và gia đình của họ với những cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và ở địa phương khác, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh; ngoài ra còn có cơ quan ở Trung ương (Bộ Ngoại giao) và những cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng đóng góp. Với sự kết nối từ những tấm lòng hảo tâm, nhân ái đó đã góp vào quỹ chăm sóc giúp đỡ nạn nhân số tiền và vật chất có giá trị đến 21,84 tỷ đồng (trong đó tiền mặt 4,5 tỷ đồng). Nhờ đó các cấp hội đã chi cho công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân 20,74 tỷ đồng, với các hình thức đa dạng như hỗ trợ cho 255 hộ gia đình nạn nhân vay vốn để sản xuất, xây nhà tình nghĩa, tình thương 84 căn, chi trợ cấp hàng tháng cho 85 hộ, trợ cấp học bổng 254 suất, cấp xe lăn, xe lắc 111 chiếc, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp khám chữa bệnh cho 1.050 lượt người và thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân vào các dịp lễ, tết. Đi đôi với vận động quyên góp về vật chất, Hội Nạn nhân chất độc da cam Bình Thuận không ngừng nỗ lực tham gia đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân, tiếp tục thu thập chữ ký, hồ sơ tài liệu phục vụ cho các vụ kiện khi Trung ương Hội yêu cầu; các cấp hội cũng tăng cường tiếp xúc với các đoàn khách quốc tế đến thăm, qua đó vận động tuyên truyền cho việc đấu tranh này.

Ông Nguyễn Thành Tâm (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận) - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Thuận cho biết, hội sẽ tiếp tục lập kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát để phân loại, thống kê nạn nhân nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam/ dioxin, nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt và những vấn đề phát sinh để có hướng chăm sóc, giúp đỡ được tốt hơn. Chú trọng những gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân. 

    
    Bình Thuận   hiện có khoảng 5.480 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; có 1.400 hộ   gia đình có từ 2 - 8 người là nạn nhân.

Duy Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấu hiểu nỗi đau da cam