Theo dõi trên

Vòng xoáy “tín dụng đen”

08/06/2017, 09:11

Bài 1: Ly hương, nhừ xương vì… “sập bẫy”

BT- Thời gian gần đây, những mẫu rao vặt cho vay trả góp xuất hiện nhan nhản khắp các gốc cây, cột điện, bờ tường ở nhiều tuyến phố nội thành Phan Thiết và các huyện, thị khác. Không ít người phải trả giá đắt khi tin tưởng những lời mời chào hấp dẫn ấy, bởi gồng mình trả nợ với lãi suất cao ngất ngưỡng.

                              
Chị B. (thị trấn Phan Rí Cửa) bị nhóm người    của bà H. đánh gây thương tích.
   
Nhan nhản lời mời chào “tín dụng đen”.

Tín dụng đen “xuống phố”

Dạo một vòng các tuyến đường ở TP. Phan Thiết, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những mẫu rao vặt với nội dung “Cho vay tín chấp, lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn”; “Hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp trong 100 ngày”, “Cho vay không cần thế chấp, giải ngân trong ngày, chỉ cần chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu”, “Giải ngân nhanh trong vòng 1 giờ”... Lời mời chào hấp dẫn ấy đã nhanh chóng tiếp cận những người đang cần vay tiền với nhiều hình thức thanh toán linh hoạt. Trong vai người đang gặp khó khăn về tài chính, tôi gọi điện thoại đến số điện thoại in trong mẫu rao vặt, ngỏ ý muốn vay 50 triệu đồng có việc gấp nhưng không vay ngân hàng được, muốn vay “nóng” ít ngày. Người đàn ông đầu dây trả lời: “Nếu có giấy tờ nhà chính chủ thì chị muốn vay bao nhiêu cũng được. Còn chỉ có CMND và sổ hộ khẩu thì tụi em chỉ giải ngân tối đa 20 triệu đồng thôi”. Thủ tục và lãi suất thế nào anh? - tôi hỏi. “Chị đem CMND, sổ hộ khẩu đến địa chỉ số 10… Hải Thượng Lãn Ông (TP. Phan Thiết) có người tư vấn kỹ hơn cho chị. Tụi em xác minh giấy tờ rồi xác minh chỗ ở của chị nữa là xong. Giải ngân trong ngày cho chị luôn. Lãi suất thì cứ 5.000 đồng/1 triệu/ngày”. Tôi tính nhẩm như vậy lãi suất đến 15%/tháng liền nói, cao quá anh ơi!. Thanh niên này tiếp tục ngọt giọng: “Tụi em đưa tiền cho chị chỉ giữ lại tờ giấy làm tin, vay kiểu này rủi ro cao lắm. Lỡ chị “biến mất”, tụi em cũng đành thua”. Thấy tôi ngập ngừng, người cho vay tiếp tục tư vấn: “Chị vay gấp thì trả kiểu “thối lại”: 50 triệu thì mỗi ngày chị nộp 1 triệu trong vòng 60 ngày”. Trong vòng 2 tháng, chủ nợ kiếm được 10 triệu đồng như chơi. Vờ hẹn mai sẽ đem giấy tờ tới để xác minh, tôi cúp máy. Vài ngày sau không thấy tôi đến, số điện thoại này liên tục gọi lại để hối thúc tôi đến vay.

Để hiểu hơn hình thức hoạt động của những đường dây tín dụng đen, chúng tôi gặp anh M., người có thâm niên trong ngành “tín dụng” ở thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong). Anh M. giải thích cặn kẽ: “Có hai dạng trả nợ phổ biến là cùng một lúc gom cả vốn lẫn lãi hoặc chia ra trả góp trong khoảng thời gian theo thỏa thuận. Còn vay tiền “đứng”, nghĩa là thu tiền lãi hằng ngày mà vẫn giữ nguyên tiền vay, thường gặp ở các đối tượng cờ bạc như cá độ bóng đá, đánh bài, số đề... Thường người quen thân lãi suất khoảng 2.000 - 3.000 đồng/1 triệu/1 ngày, còn đa số cho vay với mức từ 6.000 - 10.000 đồng. Theo anh M., phổ biến hiện nay là hình thức cho vay trả góp chứ không thu “một cục” hằng tháng như trước. Chẳng hạn vay nợ 10 triệu đồng, chủ nợ ngày nào cũng đến thu 100.000 đồng, tiền nợ vẫn giữ nguyên, tính ra lãi suất mỗi tháng 3 triệu đồng (khoảng 30%/tháng - PV). Nhiều người khi vay còn mơ hồ về lãi suất, đến lúc chậm trả, lãi mẹ đẻ lãi con mới tá hỏa thì đã muộn. 

Bỏ xứ vì “tín dụng đen”

Liên tiếp các vụ đổ vỡ do “tín dụng đen” xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Bình thời gian gần đây, đã đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh khuynh gia bại sản, cuộc sống đảo lộn, gây bất ổn trật tự xã hội. Từ thị trấn Lương Sơn, Chợ Lầu đến các xã Hải Ninh, Phan Rí Thành… khá nhiều người “sập bẫy” tín dụng đen.  Đằng sau nỗi vui mừng vay được tiền là những chuỗi ngày cay đắng, vì tiền lãi luôn vượt quá khả năng của họ. Chúng tôi tìm đến nhà chị V.T.T.H. (thôn Hải Thủy - xã Hải Ninh), thì hay tin chị đã trốn khỏi địa phương vì mất khả năng trả khoản nợ hàng trăm triệu đồng. Căn nhà anh H. (chồng chị H.) đang ở với người mẹ già không biết còn ở được bao lâu, khi vợ anh đã làm hợp đồng giao sổ đỏ nhà đất cho chủ nợ. Hiện tiền lãi phải đóng mỗi ngày ngót nghét 2 triệu đồng đã vượt khả năng của anh. Đã vậy, dù có trả lãi thì khoản nợ gốc 370 triệu  đồng vẫn còn nguyên làm anh ngày càng hao mòn. Anh H. buồn rầu tâm sự: “Khi vợ tôi còn ở nhà, bà C. (chủ nợ ở thị trấn Phan Rí Cửa) ngày nào cũng đến đòi tiền lãi, trả miết cũng không hết nợ nên bà ấy mới bỏ đi. Hai vợ chồng làm thuê, ngày cao nhất thu nhập chỉ 350 ngàn đồng, bữa làm bữa nghỉ, vay mượn thêm cũng không có khả năng trả, đành chấp nhận giao nhà thôi”. Cũng theo anh H. kể, ban đầu vợ ông chỉ vay 60 triệu đồng về xoay xở sinh hoạt gia đình, mỗi ngày đóng gần 200 ngàn tiền lãi. Rồi hụt tiền, vợ anh tiếp tục vay… nên vỡ nợ. Vợ chồng ông Nguyễn Văn N. (khu phố Xuân An 1 - thị trấn Chợ Lầu) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhà đóng cửa im lìm cả tháng nay, hỏi ai cũng không biết vợ chồng ông đi đâu, chỉ biết ngôi nhà này đã được chuyển nhượng cho chủ nợ.

Chị L.T.B. (tổ dân phố 13 - thị trấn Phan Rí Cửa) lại là trường hợp khác, tuy không bị siết nhà, nhưng chủ nợ đã đánh chị “nhừ xương” vì không trả lãi đúng hẹn. Chị B. kể: “Vì hoàn cảnh khó khăn, tôi vay 15 triệu đồng từ bà H. (tổ dân phố 28), mỗi ngày tôi phải đóng lãi 100.000 đồng. Đóng được 5 tháng thì không còn khả năng chi trả, tôi xin giảm lãi còn 50.000 đồng/ngày nhưng chủ nợ không đồng ý. Sau đó, nhóm người của bà H. nhiều lần cầm dao đến nhà đe dọa, nộ nạt rồi đánh tôi đầy thương tích”. Do bị tật nguyền, chị B. không thể chống trả được và bị nhóm giang hồ này đập phá tài sản, lấy mất 5,2 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người cho vay kiểu “tín dụng đen” có tiếng ở đây đều có đội ngũ “anh chị” hỗ trợ phía sau. Đội ngũ này được chủ nợ “nuôi” hàng tháng và được chia lợi nhuận 3/7 hoặc 4/6 tùy trường hợp những con nợ khó đòi. Khi lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều người mất khả năng thanh toán thì chủ nợ bắt đầu đe dọa, cưỡng chế tài sản, gạ bán rẻ nhà đất...

    
Khoản   1, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào trong giao dịch dân   sự cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong   Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới   100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này   hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì   bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo   không giam giữ đến 3 năm.

Nhóm PV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vòng xoáy “tín dụng đen”