Theo dõi trên

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Hơn 53% số hộ chưa tiếp cận được vốn ưu đãi

07/09/2017, 08:37

46,42% hộ dân tộc  thiểu số được vay vốn

Bình Thuận là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài dân tộc Kinh thì toàn tỉnh có 34 dân tộc thiểu số với hơn 101.707 người, chiếm 8% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số được định cư tại 17 xã thuần và 32 thôn xen ghép thuộc 8 huyện, thị, thành phố. Những năm qua các ngành, các cấp đã quan tâm có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là tăng cường hiệu quả đầu tư vốn tín dụng ưu đãi, tạo ý thức tiết kiệm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Một thực tế cho thấy, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đã làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách này đã thực sự tạo điều kiện cho đồng bào nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhằm từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thể hiện rõ nhất là các ngành nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, mây, tre đan, nghề làm gốm…được đầu tư phát triển giúp đồng bào tăng thu nhập.

         
   

      

      Anh Nguyễn Văn Hồng    Hiếu, dân tộc K’ho ở thôn Trà Cụ (Lạc Tánh - Tánh Linh) vay vốn ưu    đãi mua máy tuốt lúa, máy xới phục vụ sản xuất.

Các chính sách tín dụng được đưa trực tiếp cho đồng bào thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, bao gồm 12 chương trình tín dụng ưu đãi đến với 100% thôn, xã có đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu tính từ năm 2014 đến nay đã có hơn 10.301 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn tín dụng, chiếm 46,42% hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Đến đầu năm 2017, tổng dư nợ của hơn 10.301 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vượt qua con số 231.634 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ vay 22,5 triệu đồng. Trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay bình quân 8 triệu đồng/hộ. Qua khảo sát các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Qua đó đã giúp 8.861 hộ thoát nghèo.

Vốn ưu đãi chưa đáp ứng

Việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi với đồng bào dân tộc thiểu số thời gian gần đây vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là một số chương trình tín dụng Trung ương đã ban hành, nhưng chưa bố trí được nguồn vốn như: Chính sách vay vốn vùng khó khăn; vay vốn giải quyết việc làm; vay vốn đầu tư hệ thống nước sạch – vệ sinh môi trường; vay vốn trồng rừng, phát triển chăn nuôi. Mặt khác, nguồn vốn địa phương chuyển ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung vốn vay còn chậm, thiếu ổn định hàng năm. Một số tổ chức hội đoàn thể chưa kết hợp tốt trong tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm trang bị kiến thức cho đồng bào còn nhiều hạn chế; mức cho vay một số chương trình còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân; lãi suất, thời gian cho vay, hạn mức tối đa cho vay thiếu linh hoạt. Hiện toàn tỉnh còn hơn 5.298 hộ dân tộc thiểu số chưa có đất sản xuất do địa phương đã hết quỹ đất. Vì vậy cần phải giải quyết bằng cách chuyển đổi nghề nghiệp cho đồng bào. Các đối tượng này tiếp cận vốn gặp nhiều trở ngại. Điều đáng lưu ý là trong chương trình cho vay vốn nuôi bò theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, đến nay đã thu hồi vốn đạt trên 98%. Còn lại 242 triệu đồng (khoảng 2%) của 35 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao do bị rủi ro khách quan về dịch bệnh và hiện các hộ vẫn còn là hộ nghèo nên không có khả năng trả nợ.

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển ủy thác cho Ngân hàng Chính sách để tăng nguồn vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vùng khó khăn dân tộc thiểu số; quan tâm xem xét xóa nợ vay chăn nuôi bò đối với 35 hộ nghèo dân tộc thiểu số vùng cao do rủi ro khách quan, vì họ không có khả năng trả nợ. Mặt khác, chỉ đạo UBND cấp huyện, thị rà soát các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở để tham mưu cho tỉnh điều chỉnh hàng năm theo lộ trình thực hiện đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, không để hộ nghèo có điều kiện, có nhu cầu nhưng không được tiếp cận vốn vay. 

NHẬT BẢO



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Hơn 53% số hộ chưa tiếp cận được vốn ưu đãi