Theo dõi trên

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Kinh tế phát triển theo hướng bền vững

11/12/2018, 09:15

BT- Với nhiều chương trình hỗ trợ, mô hình phát triển kinh tế đang được triển khai, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đã và đang có bước phát triển vượt bậc…

                
Đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã    khá hơn nhờ giữ rừng.

 Đổi thay nhờ Nghị quyết 04

Bắc Bình có 3 xã thuần đồng bào Chăm là Phan Thanh, Phan Hiệp và Phan Hòa. Trong những năm qua, đời sống người dân đã có sự thay đổi đáng kể. Điều đó bắt nguồn từ những chính sách đúng đắn, thiết thực mà tỉnh đã ban hành. Nổi bật là Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 27/5/2002 về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ nghị quyết này mà hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp đất sản xuất, hỗ trợ vốn nuôi bò để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn 04, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.

10 năm sau khi thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, đời sống người dân khá lên nhưng cơ sở vật chất, điện đường trường trạm còn nhiều khó khăn. Lúc này, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ triển khai đã giúp 3 xã phát triển theo hướng hiện đại. Qua triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng các xã đã cơ bản hoàn thiện. 3 xã đều có hệ thống nhà văn hóa từ xã xuống đến thôn. Vì vậy, chất lượng các buổi sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ thể thao cũng được nâng lên. Trạm y tế, trường học đã được đầu tư nâng cấp hoặc xây mới giúp người dân 3 xã được hưởng dịch vụ tốt hơn. Đường xã và đường liên xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn. Đường trục thôn và đường liên thôn đã được cứng hóa đến 70%.

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự chung tay góp sức của người dân mà đến cuối năm 2017, 3 xã thuần đồng bào Chăm ở huyện Bắc Bình đã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Việc thực hiện nông thôn mới ở 3 xã còn đạt được một bước tiến mới vững chắc hơn là sự thay đổi về tư duy sản xuất từng bước phát triển mô hình kinh tế tập thể tại địa phương. Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo hướng bền vững đã giúp người dân các xã thuần đồng bào dân tộc Chăm ở huyện Bắc Bình có đời sống tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30 triệu đồng.

 Hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế

Không chỉ đồng bào Chăm mà nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Trong năm vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển hạ tầng, kinh tế. Sau nhiều năm chờ đợi, hơn 30 hộ đồng bào dân tộc Hoa, Tày, Nùng thuộc tổ 3, thôn Sông Khiêng, xã Sông Lũy và hơn 40 hộ ở thôn Tú Sơn, xã Sông Lũy, Bắc Bình mới thấy ước mơ thành hiện thực khi những chiếc cầu dân sinh bắc qua kênh 812 - Châu Tá đang dần hình thành. “Năm 2010 kênh dẫn nước 812 - Châu Tá thuộc dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết được chính thức vận hành khai thác. Kể từ đó đến nay cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. Bởi kênh 812 - Châu Tá luôn đầy ắp nước chặn ngang cô lập khu dân cư với vùng sản xuất. Giờ thì khỏe hơn rồi, có cầu, người dân có thể đi xe honda đến tận bờ ruộng nhà mình, vận chuyển nông sản cũng không vất vả như trước”, ông Lồ A Phổ, cư ngụ thôn Sông Khiêng vui vẻ cho biết.

Không chỉ người dân xã Sông Lũy mà người dân xã Phan Tiến, huyện Bắc Bình cũng phấn khởi khi tuyến đường từ xã Bình Tân đi xã trung tâm xã Phan Tiến được mở rộng. Những năm trước, tuyến đường này xuống cấp và hẹp nên việc di chuyển của người dân và vận chuyển nông sản sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ Bình Tân đi Phan Tiến hoàn thành. Tuyến đường dài 13.517,5 m từ Bình Tân đi Phan Tiến được nâng cấp bề rộng nền đường lên 6,5 m đã tạo thuận lợi cho bà con vùng cao Phan Tiến, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong năm 2018, Ban Dân tộc cùng các địa phương đã triển khai thực hiện 58 công trình phục vụ phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 24 công trình.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân. Lũy kế đến nay, các địa phương đã cấp 4.824,24 ha đất sản xuất cho 4.516 hộ, nâng tổng diện tích đất canh tác hiện có 15.281,08 ha/14.279 hộ (bình quân chung 1 ha/hộ). Cùng với việc hỗ trợ người dân đất sản xuất, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm Dịch vụ miền núi đã đầu tư ứng trước cho 1.326 hộ đồng bào với tổng giá trị 11.832 triệu đồng.

Hiện nay có 2.379 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán bảo vệ 86.252,59 ha rừng. Với tiền công chi trả cho đồng bào nhận khoán bảo vệ rừng từ 6 -12 triệu đồng/năm đã giúp cho đồng bào có thêm nguồn thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

    
    Đầu năm   2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 3.061   hộ/12.109 khẩu thuộc hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,38% và 2.864 hộ/12.387   khẩu thuộc hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 12,52%. Kết quả giảm nghèo trong   năm là 490 hộ, tương ứng giảm 2,14%

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Kinh tế phát triển theo hướng bền vững