Theo dõi trên

Vượt khó, hướng tới sự hài lòng của người bệnh

27/02/2019, 09:43

BT- Nhân kỷ niệm 64 nămngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2019), phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Việt (Giám đốc Sở Y tế) về tình hình và hoạt động của ngành.

                
   Ông Nguyễn Quốc Việt -Giám đốc Sở Y tế.

Thưa ông, những điểm nổi bật về điều trị và dự phòng của ngành y tế tỉnh trong thời gian gần đây?

Thời gian gần đây, các bệnh xâm nhập, bệnh mới nổi, bệnh dịch truyền nhiễm được giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời; nhất là bệnh cúm A H5N1, H7N9, sởi, sốt xuất huyết, zika, tay chân miệng, sốt rét. Với bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lây nhiễm nguy hiểm hoặc người tiếp xúc được lấy mẫu để xác định chẩn đoán, tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện phòng chống dịch khẩn cấp. Hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế thu hút bệnh nhân nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2017.nhờ “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, xử lý ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân về dịch vụ khám, chữa bệnh qua đường dây nóng; nâng cao vai trò công tác xã hội; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, các bệnh viện, trung tâm y tế đảm bảo đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế phục vụ cho điều trị bệnh và các tình huống dịch bệnh.

Hiện số lượng bác sĩ có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu bệnh nhân; thực tế, thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu. Số dịch vụ kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng được thực hiện thấp so với tổng số dịch vụ kỹ thuật được giao theo phân tuyến của Bộ Y tế.  Ông cho biết rõ hơn về điều này?

Năm 2018, số bác sĩ/vạn dân là 7,15 người, nhưng vẫn thiếu, có nơi thiếu khá nhiều; đặc biệt thiếu bác sĩ được đào tạo sau đại học ở các chuyên khoa sản, nhi, ngoại, nội, gây mê hồi sức. Chẳng hạn, Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân thiếu khoảng 20 bác sĩ; Bệnh viện đa khoa tỉnh thiếu khoảng 60 bác sĩ… Vì vậy, hoạt động phát triển các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị, mở rộng phạm vi chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, ngành y tế tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo thu hút nhân lực y tế. Các cơ sở điều trị hỗ trợ, bồi dưỡng thêm cho bác sĩ đi học sau đại học theo quy chế chi tiêu nội bộ (tùy điều kiện từng cơ sở).

Để một bác sĩ được đi học,  thì các bác sĩ còn lại trong khoa phải gánh vác công việc. Bởi số lượng ca khám trong mỗi ngày sẽ tăng lên, tần suất trực dày hơn. Cụ thể, một khoa có 8 bác sĩ phân công 2 bác sĩ trực/ngày, cứ 4 ngày trực một phiên. Nếu 2 bác sĩ đi học, thì số bác sĩ còn lại phải trực 3 ngày một phiên. Điều này gây áp lực không nhỏ cho bác sĩ được cử đi học cũng như bác sĩ đang làm việc. Thủ trưởng từng đơn vị y tế phải động viên anh, chị em bác sĩ sắp xếp công việc ở đơn vị và gia đình để tham gia đào tạo chuyên khoa.

                
Ảnh: N Lân

Về tình hình an ninh, an toàn tại cơ sở điều trị (người nhà bệnh nhân gây mất trật tự, hoặc bạo hành nhân viên y tế…) và giải pháp hạn chế tình hình này?

Thời gian qua, một số cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh xảy ra vài vụ việc ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự. Nguyên nhân từ nhiều phía, riêng ngành y tế tự nhận có trường hợp do ứng xử của viên chức, có trường hợp do sai sót trong chuyên môn, dẫn đến sự bức xúc của người bệnh và thân nhân người bệnh. Để khắc phục và đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh, toàn ngành phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao sự hài lòng của người bệnh và thân nhân người bệnh đối với dịch vụ y tế công lập, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện chưa tốt, hành vi ứng xử trái quy tắc ứng xử của viên chức y tế… Cùng với đó, các cơ sở y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trên địa bàn để kịp thời xử lý phù hợp các trường hợp đe dọa nghiêm trọng an ninh trật tự tại cơ sở y tế và sự an toàn của bác sĩ, viên chức y tế...

Xin cảm ơn ông!

Trang Minh (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt khó, hướng tới sự hài lòng của người bệnh