Theo dõi trên

Xâm phạm lãnh hải nước ngoài: Nâng cao nhận thức… chưa đủ

02/01/2019, 13:39

BT- Thái Lan, Malaysia, Indonesia là những vùng biển mà ngư dân Việt Nam thường xuyên xâm phạm. Việc đánh bắt trên vùng biển nước ngoài không chỉ phạm pháp, mà còn ảnh hưởng đến ngoại giao đôi bên. Việc tăng cường xử lý và xử lý dứt điểm là bài toán không hề đơn giản…

 Cấm vẫn vi phạm

Chưa nói địa phương khác, chỉ tính La Gi trong năm 2018 đã có 9 tàu (63 ngư dân) bị nước ngoài bắt giữ. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2018, ít nhất 7 tàu (51 lao động) bị lực lượng Malaysia, Thái Lan, Indonesia bắt giữ, xử lý. Riêng 9/2018 có 2 tàu/12 lao động bị lực lượng Indonesia bắt giữ. Chuyện tàu cá vi phạm nguyên nhân chủ yếu từ lợi ích kinh tế.

“Xét về pháp lý chắc chắn là sai, nhưng ngư dân biết vẫn vi phạm nghĩa là đang bị lợi ích kinh tế chi phối. Tàu cá của ngư dân thị xã còn khai thác hải sản bất hợp pháp vi phạm vùng biển nước ngoài. Về nguyên nhân chủ quan, do công tác phối hợp của các ban, ngành, nơi các địa phương có tàu cá vi phạm chứ không riêng gì La Gi còn lơ là trong tuyên truyền, giáo dục, kiểm điểm, ký cam kết chủ tàu, thuyền trưởng nghề câu khơi vi phạm. Công tác nắm tình hình, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trên bờ và trên biển tại các xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, hiệu quả chưa cao. Các giải pháp, biện pháp mang tính đột phá để xử lý dứt điểm, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân thị xã khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài chưa sát và chặt chẽ” -  ông Phạm Trọng Nhân - Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết.

Lâu nay, biện pháp chủ yếu là xử phạt, ngoài ra UBND các xã, phường có tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2018 đến nay cũng đã tổ chức kiểm điểm, phê phán các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp; công khai danh sách tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời cho ký cam kết không tái phạm và qua đó tiếp tục tuyên truyền cho những ngư dân trên địa bàn xã, phường biết và chấp hành. 

Thường trực Tỉnh ủy đã từng chỉ đạo và có chủ trương kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị từ ngày 1/5/2018 trở đi nếu để xảy ra vi phạm tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. UBND thị xã đã yêu cầu UBND phường Phước Hội, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra 2 tàu cá, ngư dân phường Phước Hội khai thác hải sản bất hợp pháp bị Indonesia bắt giữ ngày 25/9/2018. Theo Chủ tịch UBND thị xã La Gi, trong thời gian tới, ngoài kiểm điểm trách nhiệm để khắc phục, La Gi sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân thị xã trong việc không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. Đặc biệt đối tượng là các chủ thuyền, thuyền trưởng hành nghề câu khơi (kể cả người lao động) tại các phường, xã vùng biển như Phước Hội, Bình Tân, Phước Lộc, Tân Phước, Tân Tiến… Đồng thời, Đồn Biên phòng Phước Lộc cần chỉ đạo các trạm biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến, kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định.  

Nâng cao nhận thức, chưa đủ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị phổ biến các quy định về chống khai thác bất hợp pháp; kiểm tra, kiểm soát nghề cá và xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản, cơ sở thu mua hải sản tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn có đại diện chủ tàu, thuyền trưởng tham gia khai thác hải sản vùng biển xa, tàu dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67/CP tại các địa phương: Tuy Phong, Phan Thiết, La Gi, Phú Quý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố quyết định thành lập các văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá (Phan Thiết, Phan Rí Cửa, La Gi). Nội dung được phổ biến tại hội nghị sẽ giúp các đơn vị, địa phương, chủ tàu cá, thuyền trưởng, doanh nghiệp chế biến, cơ sở thu mua hải sản, nắm bắt kịp thời quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), công tác kiểm tra, kiểm soát, xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thủy sản hợp pháp tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, nhằm thực hiện tốt quy định của pháp luật và khắc phục có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Thiết nghĩ, để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân xâm phạm lãnh hải trái phép, các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường trên địa bàn thị xã La Gi tập trung tuyên truyền cho ngư dân các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, chủ động phòng ngừa không để xảy ra tình trạng đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.

Việc tuyên truyền nhận thức cho ngư dân không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các lớp tập huấn cho ngư dân, thuyền trưởng nghề câu khơi, mà cần tuyên truyền sâu rộng hơn đến các ngư dân bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, rà soát, kêu gọi các tàu cá hành nghề câu khơi có màu sơn lạ không giống với màu sơn truyền thống nằm trong nhóm nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Tập trung tuyên truyền, quản lý, giám sát quá trình hoạt động...

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xâm phạm lãnh hải nước ngoài: Nâng cao nhận thức… chưa đủ