Theo dõi trên

Xây dựng và quảng bá chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

25/09/2017, 14:25 - Lượt đọc: 36

BT- Xây dựng các chuỗi và địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người dân là việc làm cần thiết hiện nay. Vậy nên gần đây các cơ quan chức năng ở Bình Thuận đã chú trọng việc xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, gắn với việc cấp giấy xác nhận sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ; sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) của cơ quan chức năng; kết quả giám sát ATTP sản phẩm của chuỗi phần lớn đạt yêu cầu. Sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá bán cao hơn so sản phẩm khác.

                
Ảnh minh họa

 Kết quả bước đầu

Đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hướng dẫn, hỗ trợ 57 cơ sở trong toàn tỉnh xây dựng và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Trong đó xây dựng 6 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (gồm có: mũ trôm 1 chuỗi/100 tấn nguyên liệu/năm; thủy sản khô 2 chuỗi/800 tấn/năm, thủy sản đông lạnh 1 chuỗi/ 21.000 tấn/năm, nước mắm 2 chuỗi/5,4 triệu lít/ năm;, hỗ trợ kết nối 6 mô hình (trong đó thanh long 3 chuỗi/9.470 tấn/năm, hạt điều 2 chuỗi/ 1.727 tấn/năm, thịt 1 chuỗi/ 54,8 tấn/năm) từ công đoạn đầu tiên đến công đoạn cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đang hoàn chỉnh mô hình chuỗi xuất khẩu nông sản, thủy sản tại các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh. Đến nay sản lượng tham gia trong mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với sản phẩm nông sản 6.173 tấn, nguyên liệu thủy sản 21.800 tấn, sản phẩm nước mắm 8,3 triệu lít. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cũng đã cấp 17 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 107 sản phẩm nông thủy sản tại 8 điểm kinh doanh sản phẩm nông sản, thủy sản trong tỉnh.

Ngoài ra công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trưng bày quảng bá sản phẩm tại showroom xuất khẩu Sài Gòn số 92-96 đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Phối hợp các cơ quan truyền thông xây dựng phóng sự về quảng bá thị trường và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phát trên truyền hình VTV1, VTC24 và Đài Truyền hình Bình Thuận. Ngoài ra đã hỗ trợ xây dựng, hướng dẫn áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo quan điểm HACCP cho 23 cơ sở.

Về xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ngành nông nghiệp và các địa phương quan tâm. Toàn tỉnh có: vùng trồng thanh long 3.500 ha tại các huyện Hàm Thuận Nam (2.000 ha), Hàm Thuận Bắc (1.300 ha), Bắc Bình (200 ha); vùng trồng lúa giống 450 ha tại các huyện Tuy Phong (30 ha), Bắc Bình (150 ha), Hàm Thuận Bắc (110 ha), Tánh Linh (90 ha), Đức Linh (70 ha); vùng lúa thịt chất lượng cao 3.000 ha tại huyện Tánh Linh; vùng trồng rau an toàn 80 ha tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; vùng phát triển thủy sản 154 ha tại huyện Tuy Phong; vùng nuôi thủy sản mặn, lợ đặc sản tại các huyện Tuy Phong, Phú Quý; nuôi cá tầm ở hồ Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc…

 Những khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh một số kết quả bước đầu đạt được, hiện nay việc hình thành các chuỗi đã và đang đối mặt với không ít khó khăn. Việc liên kết giữa nông dân, ngư dân với các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến và cơ sở kinh doanh trong xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chưa chặt chẽ hoặc mối liên kết không bền vững, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan dẫn đến việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gặp khó khăn.

Một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định. Khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ. Giá bán sản phẩm chưa đạt như mong muốn của người sản xuất. Chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi, người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm trong và ngoài chuỗi. Việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có văn bản quy định nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai. Quy mô sản xuất cũng như sản lượng cho mỗi chủng loại sản phẩm còn ít, sản xuất tập trung vào thời vụ chính, chưa thành sản xuất hàng hóa lớn.

Theo các chuyên gia, để phát triển chuỗi và điểm bán nông sản an toàn, qua đó mở rộng cơ hội cho người dân tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn cần phải coi doanh nghiệp là “hạt nhân” và “đầu tàu”, đóng vai trò quyết định từ liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản thực phẩm an toàn trên thị trường. Theo đó, việc kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất nông sản, từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế, ngoài ra còn giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tăng doanh số bán hàng.

Xây dựng nông nghiệp an toàn, loại bỏ dần những sản phẩm bẩn ra khỏi xã hội không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà rất cần sự phối hợp của các ngành liên quan. Trong đó, quan trọng nhất là lòng tin của người tiêu dùng và những cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất nông sản sạch.             

   Huỳnh Lê



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng và quảng bá chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn