Theo dõi trên

Xóa khoa y dược cổ truyền: Nên hay không nên?

01/07/2019, 08:56 - Lượt đọc: 6

BT- Mới đây, Sở Y tế có văn bản yêu cầu Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh nghiêm túc thực hiện chuyển chức năng, nhiệm vụ khoa y dược cổ truyền (YDCT) sang Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Nghĩa là “xóa bỏ” khoa YDCT tại BVĐK tỉnh và dự kiến chuyển giao trong năm 2019. Chính văn bản này gây xôn xao dư luận, làm bệnh nhân đang điều trị bất an…

                
Khám bệnh tại Phòng khám đông y, Bệnh viện    đa khoa Bình Thuận. Ảnh: N.L

 Ý kiến đối lập

Với quy mô 500 giường bệnh ban đầu tại BVĐK tỉnh, đến nay tổng số thực kê là 910 giường, vượt 410 giường so dự tính ban đầu. Năm 2018, bệnh viện này tiếp nhận sự sáp nhập Trung tâm Mắt, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh với điều kiện làm việc quá tải, cơ sở vật chất không đảm bảo khám chữa bệnh. Trong khi đó, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng được đầu tư cơ sở khang trang, rộng rãi với trang thiết bị hiện đại; đang thực hiện phương pháp kết hợp khám chữa bệnh y học cổ truyền với y học hiện đại. Vì vậy, khoa YDCT tại BVĐK tỉnh là không cần thiết; không có khoa YDCT tại BVĐK tỉnh cũng không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh; tránh sự đầu tư trùng lắp mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh tại khoa YDCT và Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng. Đó là lý giải của Sở Y tế về Văn bản 1723 (ngày 31/5/2019) yêu cầu “xóa bỏ” khoa YDCT tại BVĐK tỉnh.

Tuy nhiên năm 2018, Sở Y tế khẳng định trong Văn bản 2480: “Căn cứ quy định của pháp luật, yêu cầu chuyên môn khám chữa bệnh, kết quả điều trị nội trú, ngoại trú của khoa YDCT đạt hiệu quả, thì khoa YDCT  tại BVĐK tỉnh cần đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh”.

Song song đó, BVĐK tỉnh nêu ra một số ý kiến như sau: Theo Quyết định số 1895 năm 1997 của Bộ Y tế ban hành quy chế bệnh viện, khoa YDCT được thành lập tại BVĐK tỉnh. Bởi đây là bệnh viện hạng 2, tuyến cao nhất tỉnh bao gồm các chuyên khoa theo quy định, trong đó có khoa YDCT. Tại khoản 1 điều 4 của Thông tư 01/2014 của Bộ Y tế quy định bệnh viện quy mô 120 giường bệnh nội trú trở lên, phải thành lập khoa YDCT, tối thiểu có 10 giường bệnh nội trú. Tiếp theo đó, Quyết định 2166 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển YDCT Việt Nam đến năm 2020, chủ trương của nền y tế Việt Nam là đẩy mạnh kết hợp đông - tây y điều trị cho bệnh nhân đạt kết quả cao. Dựa trên các văn bản pháp quy và quy định, khoa YDCT tại BVĐK tỉnh là phù hợp.

 Tương hỗ “giờ vàng”

Kể từ khi thành lập khoa YDCT cho đến nay, khoa này đã và đang điều trị kết hợp thuốc, thực hiện các biện pháp không dùng thuốc như châm cứu, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt… một cách nhịp nhàng với các khoa lâm sàng như nội, sản, nhi… nhằm hạn chế tác dụng phụ, độc hại của thuốc đặc trị, hồi phục chức năng, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Chẳng hạn, sản phụ thường bí tiểu sau sinh, khi gặp trường hợp này, khoa sản mời khoa YDCT sang châm cứu để sản phụ thông tiểu. Nếu không áp dụng phương pháp đông y mà đặt ống thông tiểu theo phương pháp tây y, thì bệnh nhân dễ bị sang chấn dẫn đến nhiễm trùng đường tiểu. Với bệnh nhân bị bệnh tai biến, chấn thương sọ não, châm cứu cần thực hiện ngay sau khi bệnh nhân đã ổn định về huyết áp và các chỉ số sinh tồn khác, nghĩa là ngay sau giai đoạn cấp cứu sẽ có tác dụng làm cho bệnh nhân phục hồi nhanh hơn, rút ngắn thời gian điều trị. Nếu không có khoa YDCT tại BVĐK, bệnh nhân dễ bỏ qua thời gian “vàng” để hồi phục sức khỏe - bác sĩ Nguyễn Minh Hải (Phó phụ trách khoa YDCT của BVĐK tỉnh) giải thích.

Riêng khoa khám ngoại trú, bệnh nhân được khám điều trị về bệnh tiểu đường, phát hiện thêm bệnh đau thần kinh tọa, bác sĩ phòng khám nội sẽ chuyển bệnh nhân sang phòng khám đông y. Ngược lại, tại phòng khám đông y, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường thì sẽ chuyển sang phòng khám nội (tây y). Trung bình mỗi ngày, phòng khám đông y tiếp nhận hơn 40 bệnh nhân khám ngoại trú, trong đó có khoảng 15 - 20 ca khám điều chuyển qua lại giữa phòng khám tây và đông y.

 Cân đo lại

Được biết, Bệnh viện Y học cổ truyền được thành lập tại 54 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phần lớn các bệnh viện đa khoa tại các tỉnh đều có khoa YDCT với hơn 10.000 phòng khám chữa bệnh có sử dụng YDCT, lồng ghép YDCT với y học hiện đại trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân [1]; với kết quả tích cực, thu hút đông bệnh nhân, giúp người bệnh giảm thời gian đi lại. Các chuyên gia khẳng định phương pháp điều trị kết hợp đông – tây y giúp người tai biến, chấn thương lưng - đầu… phục hồi tốt hơn khoảng 40% so với phương pháp điều trị riêng lẻ thông thường, thời gian điều trị rút ngắn 2-3 tuần/bệnh nhân [2]. Như vậy, kết hợp hài hòa giữa đông – tây y trong khám chữa bệnh, không những mang lại lợi ích mà còn đáp ứng nhu cầu cho người bệnh.

Từ thông tin, phân tích trên so với văn bản của Sở Y tế quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ khoa YDCT thuộc BVĐK tỉnh sang Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, thì “mô hình mới” này có đúng theo thông tư của Bộ Y tế,  quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có phù hợp nhu cầu khám chữa bệnh và mang lại lợi ích thiết thực trong chăm sóc sức khỏe của người dân?   

Tham khảo [1]: http://baochinhphu.vn/Doi-song/Ung-dung-y-hoc-co-truyen-de-cham-soc-suc-khoe-ban-dau-cho-nguoi-dan/243680.vgp

 [2]: https://tuoitre.vn/ket-hop-dieu-tri-dong-tay-y-cho-benh-nhan-liet-1154449.htm

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xóa khoa y dược cổ truyền: Nên hay không nên?