Theo dõi trên

Xuất khẩu lao động đình trệ vì Covid-19

20/02/2020, 09:53

BT- Theo nhận định của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu lao động (LĐ) vốn đã trầm lắng thì nay lại bị đình trệ. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ,TB&XH, từ đầu tháng 2 đã ngưng tổ chức các phiên giao dịch việc làm; không thực hiện đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các vùng có công bố dịch bệnh.  

                
   Người lao động tham gia hội thảo tại xã    Tân Hà, huyện Đức Linh.

Lao động có việc làm, thu nhập ổn định

Bà Trần Thị Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh cho biết, năm 2019, tỉnh đưa được 152 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong đó nhiều nhất là thị trường Nhật Bản với 107 LĐ gồm các ngành nghề: điều dưỡng, sản xuất – chế tạo, xây dựng. Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc với 30 LĐ thuộc các ngành nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất – chế tạo. Sau đó là thị trường các nước Đài Loan, Đức, Ả Rập Xê út và Kuwait. Theo bà Nhàn, người LĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài đều được Trung tâm LĐ ngoài nước thuộc Bộ LĐ, TB&XH và các doanh nghiệp hoạt động đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài tổ chức các lớp học. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của nước đến làm việc để người LĐ biết và chấp hành theo quy định.

Mặt khác, thông qua việc lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín và chất lượng về địa phương tuyển chọn LĐ đưa đi làm việc ở nước ngoài đã hạn chế được rủi ro nhất định. Hơn thế, quyền lợi và nghĩa vụ của người LĐ đi làm việc ở nước ngoài được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tất cả LĐ đưa đi làm việc ở nước ngoài đều có việc làm, thu nhập ổn định và tiết kiệm tiền gửi về gia đình mua sắm các trang thiết bị sinh hoạt, nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 38 doanh nghiệp xuất khẩu LĐ thường xuyên hoạt động. Hình thức tuyển LĐ chủ yếu thông qua việc phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, tuyển chọn LĐ trực tiếp tại các địa phương và thông qua các phiên giao dịch việc làm. Hiện tỉnh có khoảng 450 LĐ đang làm việc ở nước ngoài. Để quản lý số LĐ này, định kỳ 6 tháng, 1 năm các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu LĐ phải báo cáo danh sách LĐ đang làm việc tại nước ngoài về Sở LĐ,TB&XH. Trong năm 2019, chưa xảy ra trường hợp đi làm việc ở nước ngoài bị xâm hại về quyền và lợi ích hợp pháp, sức khỏe, tinh thần và tính mạng được đảm bảo; không xảy ra đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người LĐ.  

Đình trệ do Covid-19

Theo bà Nhàn, năm qua, công tác đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vẫn còn khó khăn. Đơn cử, người LĐ vẫn còn tâm lý e ngại đi làm việc ở nước ngoài, sống xa nhà. Công tác tư vấn, tuyển chọn LĐ đi làm việc ở nước ngoài ở các địa phương còn hạn chế. Một số đơn hàng của các doanh nghiệp yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, sức khỏe cao như: Đài Loan, Nhật Bản... người LĐ khó đáp ứng được. Hơn nữa, do ảnh hưởng của Covid – 19, ngay từ đầu tháng 2, Bộ LĐ,TB&XH có công điện về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong công điện, bộ yêu cầu Cục Quản lý LĐ ngoài nước rà soát và nắm rõ số lượng LĐ Việt Nam làm việc tại các nước đã có dịch và khuyến cáo doanh nghiệp tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với LĐ Việt Nam sang làm việc tại các nước có dịch bệnh Covid-19. Bộ cũng yêu cầu dừng tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như hội thảo, hội nghị và phiên giao dịch việc làm... Tại Bình Thuận, đầu tháng 2, Sở LĐ, TB&XH có công văn yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm không tổ chức các phiên giao dịch việc làm; không thực hiện đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các vùng có công bố dịch bệnh. Nếu như năm trước từ ngày mùng 6 tết, người đi làm việc ở nước ngoài đã vào nhập học, phỏng vấn đơn hàng. Nhưng thời điểm này các trung tâm đào tạo đã phải lùi thời gian nhận học viên.  

Nhiều việc cần làm

Để đạt được chỉ tiêu đưa 100 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020, bà Nhàn cho biết thời gian tới, Sở LĐ, TB&XH sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, khuyến cáo người LĐ trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức cảnh giác đối với những tổ chức, cá nhân lợi dụng để lừa đảo, lôi kéo đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài trái pháp luật. Tiếp tục lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín, có đơn hàng phù hợp để được phép tuyển chọn, đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, sở sẽ tổ chức quản lý, giám sát, nắm tình hình LĐ của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài nhằm đảm bảo người LĐ thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn khi kết thúc hợp đồng.

Song song đó, sở tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng của thị trường đưa LĐ sang làm việc; giáo dục định hướng cần làm tốt các nội dung về ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, luật pháp nước sở tại. Xây dựng các cơ chế, chính sách mới và phù hợp trong công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài với mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích người LĐ đăng ký tham gia. Ngoài ra, sở sẽ xây dựng quy chế quản lý LĐ từ khi đi ra nước ngoài làm việc cho đến khi về nước nhằm giải quyết có hiệu quả các phát sinh trong quá trình người LĐ làm việc. Cùng với đó, có kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp khi LĐ về nước theo hướng dẫn của Bộ LĐ,TB&XH.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu lao động đình trệ vì Covid-19