Khi nào giải tỏa việc
Khi nào giải
tỏa việc “Tạm dừng cho phép chuyển quyền sử dụng đất toàn bộ 132 thửa”?
BTO- Đó là câu hỏi của rất nhiều hộ dân khi đã trót mua phải đất nằm trong 132
thửa ở xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết. Giờ đây, họ
đang “tiến thoái lưỡng nan”.
Sau nhiều năm thuê nhà trọ
tại thành phố Phan Thiết để làm công nhân cho một công ty may mặc, tháng 8 năm
2019 chị L. T. H ( quê Hàm Thuận Bắc) bàn bạc với chồng gom góp số tiền tích cóp
được và vay mượn thêm từ ngân hàng để mua miếng đất 100m2, trị giá
580 triệu đồng tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết để làm nhà. Viễn cảnh về
một ngôi nhà ấm cúng, không còn phải ở trọ trong căn phòng 36m2 luôn
ẩn hiện trong suy nghĩ, vì chị đã dự tính cuối năm 2019 sẽ tiến hành xây dựng.
Thế nhưng tháng 11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Thuận) đã
đề nghị UBND TP Phan Thiết và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết tạm
dừng cho phép chuyển quyền sử dụng đất toàn bộ 132 thửa đất với diện tích gần
171.000 m2, tại 3 xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm là tang vật
trong vụ án vi phạm quản lý đất đai xảy ra tại Phan Thiết, giai đoạn từ tháng
2/2016 đến 12/2018. Nghe thông tin chị H cảm thấy lo lắng, hoang mang; kiểm tra
lại thì đất của chị đã nằm trong diện tích này. “Thấy đất thổ cư nên tôi an tâm
mua. Giờ đây xây nhà tôi cũng đâu dám, bởi nó là tang vật vụ án. Buồn vì hàng
tháng mình vẫn phải trả lãi ngân hàng, trong khi đó 2 vợ chồng vẫn phải ở trọ.
Tôi không biết đến khi nào mới có lệnh giải tỏa để tôi có thể tự tin xây nhà mà
không phải lo lắng”, chị H chia sẻ.
 |
Một khu đất tại xã Phong Nẫm bị dừng giao dịch. |
Không mua đất xây nhà như
chị H, anh N.C.D (thành phố Phan Thiết) mua để đầu tư. Vay mượn tiền từ ngân
hàng, người thân, bạn bè anh cũng “ôm” được 3 lô với diện tích 300m2
cũng ở Phong Nẫm. Chỉ chờ giá đất lên một chút, anh D có thể sang nhượng lại
kiếm lời. Thế nhưng lời đâu chưa thấy, hiện nay mỗi tháng anh phải trả trên 10
triệu đồng tiền lãi. “ Liệu không biết thời gian đến như thế nào, tôi giờ như
đang ngồi trên đống lửa. Chỉ mong vụ án được giải quyết nhanh chóng để tôi có
thể giao dịch quyền sử dụng đất, giải quyết phần nào nợ nần”, anh D buồn rầu kể.
Trong số diện tích gần
171.000 m2 tại 132 thửa đất được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở
nông thôn trái pháp luật, hàng trăm lô đất đã được phân lô, tách thửa và bán lại
cho người dân. Nhiều người trong số này mua đất bằng tiền vay ngân hàng hoặc
mượn bạn bè, người thân để rồi “chết đứng” khi các thửa đất này bị tạm dừng
chuyển quyền sử dụng.
Theo UBND các xã Phong Nẫm,
Thiện Nghiệp và Tiến Lợi, sau khi có quyết định tạm dừng chuyển quyền sử dụng
đất, địa phương cũng đã niêm yết công khai danh sách các thửa đất tạm dừng
chuyển quyền sử dụng đất tại trụ sở của UBND xã. Vì vậy, hầu hết người dân cũng
đã nắm được thông tin này. “Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp các hộ dân đến
UBND xã để hỏi về vấn đề xây dựng nhà trên diện tích trên. Địa phương đã vận
động, tuyên truyền người dân chờ ý kiến của các ngành chức năng, còn hiện tại
chưa thể giải quyết được”, ông Võ Thái Bình – Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm cho
biết.
Câu hỏi “Khi nào giải tỏa
việc “Tạm dừng cho phép chuyển quyền sử dụng đất toàn bộ 132 thửa ?” được ông
Lê Nam Hưng – Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên – Môi trường Bình Thuận cho biết:
vụ án về sai phạm quản lý đất đai tại TP Phan Thiết đang điều tra, chưa có kết
quả cuối cùng. Vì vậy mà việc thời điểm nào sẽ dỡ bỏ quyết định tạm dừng chuyển
quyền sử dụng đất của 132 thửa này sẽ do cơ quan tham gia tố tụng vụ án có văn
bản hướng dẫn. “Trên cơ sở quyết định tạm dừng chuyển quyền các thửa đất này
thì theo nhu cầu người dân, có yêu cầu giao dịch, nộp hồ sơ lên thì chúng tôi sẽ
xem xét vị trí có nằm trong 132 thửa tang vật hay không. Nếu có thì chúng tôi sẽ
thông báo lại cho hai bên mua bán với nhau để biết và chờ ý kiến của cơ quan tố
tụng. Còn nếu không nằm trong 132 thửa này sẽ giao dịch bình thường”.
Ngọc Diệp