Theo dõi trên

Sai lầm thường gặp khi sơ cứu vận chuyển người bị đột quỵ

22/09/2016, 08:20

Đặt bệnh nhân ở tư thế cúi hoặc ngửa cổ quá mức khi di chuyển dễ gây tổn thương tủy dẫn đến liệt tứ chi.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thông thường khi trong gia đình có người bị đột quỵ, thân nhân rất bối rối và lúng túng trong cách xử trí ban đầu, đặc biệt là vấn đề di chuyển đến bệnh viện để cấp cứu. Có trường hợp do người thân không biết xử trí, di chuyển nạn nhân không đúng cách đã vô tình gây nên các chấn thương vùng đầu, cột sống cổ, tứ chi hoặc làm nặng thêm tổn thương sẵn có.

Một bệnh nhân đột quỵ đã bị ngã trong quá trình di chuyển làm cho thương tổn nặng hơn. Ảnh: TT.

Các bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ được di chuyển không đúng cách dẫn đến thương tật đáng tiếc. Bác sĩ Tuấn chia sẻ về một trường hợp mới đây là nữ bệnh nhân 65 tuổi, ngụ tại TP HCM, có tiền căn thoát vị đĩa đệm cổ. Sáng sớm bà cụ được người nhà phát hiện trong trạng thái mê man, đưa đi cấp cứu. Đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện người bệnh bị liệt tứ chi, kết quả CT cho thấy xuất huyết não một bên không quá lớn nên chưa giải thích được nguyên nhân gây liệt. Người bệnh được chỉ định chụp MRI cột sống cổ và phát hiện có tổn thương tủy cổ.

Người nhà cho biết đã đưa bà cụ đến bệnh viện bằng cách bế và để đầu cổ tự do theo nhịp chạy. Bác sĩ Tuấn nhìn nhận nhiều khả năng trong lúc di chuyển này, người bệnh được đặt ở tư thế cúi hoặc ngửa cổ quá mức dẫn đến tổn thương thêm ở tủy cổ. Đây là nguyên nhân gây liệt tứ chi.

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 42 tuổi, sống tại TP HCM, được người nhà phát hiện ngã trên sàn nhà tắm và định bế đưa đi cấp cứu ngay. Không ngờ sàn nhà tắm trơn, người bế trượt chân té khiến cả 2 bị chấn thương. Kết quả chụp CT sau đó phát hiện nam bệnh nhân đột quỵ vừa có chấn thương sọ não vừa kèm theo nhồi máu não.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo di chuyển người bệnh đột quỵ không đúng cách như trên thường làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. Nhiều bệnh nhân đột quỵ té ngã có thể bị chấn thương kèm theo song người thân không phát hiện để sơ cứu trước. Trong quá trình di chuyển không đúng cách, chấn thương sẵn có hoặc chấn thương mới sẽ gây thêm nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đến bệnh viện kịp thời song việc xử trí cả đột quỵ và chấn thương đi kèm sẽ phức tạp hơn nhiều. Nguy cơ liệt, thậm chí tử vong cũng cao hơn.

Theo ghi nhận của bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề đáng tiếc trong quá trình di chuyển nạn nhân đột quỵ là người sơ cứu thiếu kỹ năng, kiến thức về đánh giá ban đầu nên không có biện pháp di chuyển an toàn. Họ thường không đánh giá được tình trạng nặng cần hồi sức tim phổi, việc hồi sức trễ có thể khiến người bệnh nặng thêm, do vậy đây là khâu quan trọng hơn cả việc di chuyển đến bệnh viện. Hầu hết trường hợp ghi nhận di chuyển sai thường là không cố định các phần cơ thể người bệnh. Thậm chí cả người bế và bệnh nhân bị té ngã dẫn đến chấn thương thực thể khác. Nhiều trường hợp không có nhân viên y tế hỗ trợ trên đường di chuyển nên không phát hiện được người bệnh diễn tiến nặng để tiến hành hồi sức ngay. 

Bác sĩ nhìn nhận, vận chuyển người bệnh đúng cách là việc rất quan trọng. Các nhân viên y tế chuyên về vận chuyển cần được học để biết di chuyển người bị đột quỵ ra sao và phải có đồ nghề hỗ trợ tương ứng. Về cơ bản, việc vận chuyển người bệnh đột quỵ có các nguyên tắc: Một là đảm bảo đường thở và tim đập. Hai là cố định bảo vệ được các bộ phận có thể tổn thương như đầu cổ, tứ chi. Ba là nhanh nhất có thể.

Chính vì vậy, nếu muốn di chuyển người bệnh đúng cách, người thân cần biết đánh giá mạch, nhịp thở, đảm bảo đường thở và tim đập theo các nguyên tắc của hồi sức tim phổi chung. Biết cách cố định các bộ phận quan trọng bao gồm đầu cổ, tứ chi của người bệnh khi di chuyển. Nếu không có cáng chuyên dụng thì tốt nhất là để người trên mặt phẳng cứng, nằm ngửa, tay chân xuôi theo mình, dùng giày nặng hoặc chăn cố định 2 bên đầu tránh chấn thương cột sống cổ lúc di chuyển.

Tại Mỹ, người bệnh gọi trực tiếp 911 (tương đương 115 tại Việt Nam) và được vận chuyển trực tiếp bằng xe cấp cứu, thời gian đến bệnh viện ngắn nhất và tiên lượng tốt hơn so với tự vận chuyển bằng xe cá nhân hoặc thông qua các kênh khác. Các nước đều khuyến cáo khi có người bị đột quỵ nên gọi trực tiếp xe cấp cứu và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện.

Vận chuyển bằng xe cấp cứu có nhiều yếu tố thuận lợi như luôn nhanh hơn xe cá nhân và được nhường đường ưu tiên, nhân viên y tế chuyên về sơ cấp cứu đánh giá tình trạng người bệnh và xử trí ban đầu chính xác hơn thân nhân. Hiện nay hệ thống xe cứu thương có sẵn các thông tin về chuyên môn của các bệnh viện, có thể quyết định chuyển thẳng người bệnh đến các bệnh viện chuyên sâu khi thấy cần thiết, tránh tốn thêm thời gian nếu đưa qua bệnh viện trung gian.

Theo Vnexpress



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sai lầm thường gặp khi sơ cứu vận chuyển người bị đột quỵ