Theo dõi trên

Cuộc “chia ly” đầy… tiếng cười

20/05/2022, 05:28

Sinh ở vùng biển thì phải mưu sinh trên biển, như một nghề cha truyền con nối và bao bé trai đã được thực hành sớm ngay từ lúc cảm nhận nước biển mặn. Nhưng bây giờ làm sao để có thể tiếp tục với nghề hay rời đi?

Đỉnh điểm quyết định

Thông tin cu Tèo bị cuốn vào chân vịt của tàu cá, 2 chân bị tổn thương nghiêm trọng, loan đi trong chiều chập choạng một ngày cuối năm 2021, người dân trong khu phố Hải Tân của thị trấn Phan Rí Cửa – Tuy Phong gần như lặng đi. Có thể vì cu Tèo còn quá trẻ, chỉ mới qua 20 tuổi và với đôi chân không lành lặn ấy chắc chắn sẽ không thể đi lặn mưu sinh như những ngày tháng trước. Điều ấy như khoáy sâu vào ký ức lẫn lo toan của bao ngư dân, bởi đây là vụ tai nạn biển thứ N và không chỉ diễn ra ở vùng biển này. Vụ cu Tèo đóng lại cái kết số liệu tai nạn trên vùng biển Bình Thuận trong năm 2021, từ Trung tâm Tìm kiếm và Cứu hộ cứu nạn tỉnh là có 97 vụ tai nạn, sự cố xảy ra trên 141 phương tiện khiến 73 người bị nạn, tăng 12 vụ với 42 người trên 11 phương tiện bị nạn so năm 2020, bất chấp 1 năm dịch bệnh hoành hành với bao đợt cấm biển diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu xoay quanh một số phương tiện được đóng lâu năm nhưng lại thường hoạt động ở các khu vực xa bờ. Đã vậy, lại sử dụng máy cũ, không thường xuyên quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa nên hay xảy ra hỏng hóc, sự cố. Phận người lại nhỏ nhoi giữa biển mênh mông… Tất cả những mỏng manh ấy sao chịu đựng nổi trước những đợt sóng to, gió lớn trên biển do gió mùa đông bắc bất chợt mang lại. Nhưng sinh ở vùng biển thì phải mưu sinh trên biển, như một nghề cha truyền con nối và bao bé trai đã được thực hành sớm ngay từ lúc cảm nhận nước biển mặn. Nhưng bây giờ làm sao để có thể tiếp tục với nghề hay rời đi?

lao-dong-1-.jpg

Đó là lý do vào chiều tối hôm ấy, ở xóm biển ấy, các sòng nhậu được gầy nhanh hơn, sớm hơn trước mái hiên, bên chái hè. Nhà chú Sáu cũng gầy 1 sòng, may mắn có sự góp mặt của những lao động đi biển lâu năm nên những trăn trở về nghề có thể gọi là sâu sắc, quanh cái chuyện làm sao đi biển an toàn, được chia tiền khi đi bạn bây giờ chủ yếu ở độ tuổi U40, U50, vì phần lớn bọn trẻ đã vào phố. Rượu vào, lời ra, bao nhiêu kỹ năng mưu sinh ở dưới biển thế nào được bàn tán, tranh cãi nhiệt tình quên cả thời gian, quên cả khách. Và cuối cùng, mấu chốt vấn đề rút ra vẫn là phải đóng thuyền to, máy lớn, phải biết vận hành con thuyền khổng lồ ấy. Phải liên kết nhiều tàu thuyền để ứng phó giúp nhau trên biển kịp lúc thì mới hy vọng hạn chế những vụ tai nạn xảy ra. Các chủ tàu lớn ở Phan Rí, Phan Thiết, La Gi đã làm được và cũng nhờ vậy, vượt qua những trở ngại do giá xăng dầu nhảy múa lâu nay. Nhưng với nhiều gia đình vùng biển, con thuyền lớn ấy là giấc mơ thiên đường và cũng lắm rủi ro nên mới có chuyện các lao động biển ở đây phân tán dần trong mấy năm qua. Có người vào La Gi, Phan Thiết đi bạn trên những chiếc tàu lớn để bảo đảm an toàn và cũng được chia tiền sau mỗi chuyến biển. Có người có mối quen biết nên lên bờ làm nghề khác như làm bảo vệ và nhiều công việc khác phù hợp tại các khu du lịch như cứu hộ, chăm sóc cây cảnh… tại các khu du lịch. Huyên thuyên một hồi, mọi người bỗng nhớ ra, nhà chú Sáu có 2 đứa con trai đều đã “lên bờ” thành công. Nhưng chú Sáu kiệm lời, chỉ cười mỉm, bảo không biết có thành công không, đã tạo ra một khoảng lặng vào tối hôm ấy.

“Lên bờ”

Câu chuyện trên cứ như được tiếp diễn sang năm 2022, khi 8 đợt xăng dầu tăng giá kéo dài từ đầu năm đến giờ, đã khiến không ít tàu thuyền, ngay cả tàu thuyền lớn cũng phân vân khi ra khơi, vì lo lỗ tổn. Lao động biển nằm bờ cùng với bao cuộc mưu sinh trên bờ đã làm rõ ràng hơn trong sự phân hóa. Tôi điện thoại hỏi thăm, chú Sáu bảo cuộc đổ bộ “lên bờ” của lao động biển nhiều hơn trước nhưng với trình độ học vấn không cao, trong khi các dự án ở Tuy Phong lại chưa thích hợp để họ phát huy kỹ năng vốn có như các khu du lịch đa tiện ích ở TP. Phan Thiết nên một số người quyết tâm đi xa kiếm việc. Lúc này, chú mới bật mí, 2 đứa con của chú đều là nhân viên ở 2 khu du lịch tại phường Mũi Né, xã Tiến Thành. Nhưng như lần trước, chú cũng lo không biết chúng nó có thích ứng môi trường mới tốt không, khi chỉ được trang bị kiến thức sơ cấp nghề trong vòng 3 tháng. “Tôi dặn chúng tranh thủ vừa làm vừa học, phải học thêm nữa để bảo đảm lên bờ thành công. Đừng lo gửi tiền về nhà. Hai vợ chồng ở nhà cơm cháo qua ngày từ chiếc ghe đi biển về trong ngày là được rồi” - chú Sáu nói trong nỗi lo rất xa của người cha.

lao-dong-2-.jpg
Lao động nam làm việc trong các resort ở Mũi Né. Ảnh: Ngọc Lân

Theo lời chú Sáu, tôi đến khu du lịch rất lớn mà chú hãnh diện khoe. Nhìn đội ngũ nhân viên ở đây, tôi nghĩ không cần vội tìm gặp con chú để xem vướng mắc gì giúp đỡ. Vì cách thức tuyển người lao động, đào tạo lại lao động theo phong cách của khu du lịch lớn này là có tiếng nên đã được tuyển làm thì chắc chắn là đạt. Hơn nữa, trong năm nay, khu du lịch này còn tuyển thêm hàng chục ngàn lao động phục vụ trong các ngành nghề như Golf, khu vui chơi giải trí, dịch vụ, mua sắm… Có nghĩa theo hướng cần thợ nhiều hơn thầy. Các cơ sở du lịch khác, dù nhỏ hơn cũng nằm trong xu thế tuyển lao động như thế. Vì đợt dịch bệnh qua, thị trường lao động tại Bình Thuận biến động mạnh. Không ít lao động có tay nghề đã nhảy việc đến những khu du lịch lớn, có chế độ đãi ngộ tốt hơn nên mấy tháng qua, khi du lịch bắt đầu phục hồi, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh ráo riết tuyển lao động lại.

“Nếu trước kia, chương trình đào tạo nghề với 70% lý thuyết, 30% thực hành thì mấy năm trở lại đây, theo chương trình mới, trường đào tạo học viên theo hướng chú trọng đến thực hành nên đã liên kết với doanh nghiệp du lịch là chủ yếu phối hợp trong suốt quá trình học. Vì vậy, có 70-80% học viên khi ra trường là có việc làm- lãnh đạo Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Thuận quả quyết như thế. Mỗi năm học, trường đào tạo khoảng 250 học viên, trong đó con em ở các địa phương vùng biển chiếm 20%. Trong khi đó, lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận cũng thông tin, từ khi trường thành lập đến nay, mùa tuyển sinh nào, trường cũng về các trường phổ thông để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em. Càng về sau này, số con em ở các vùng biển về học nghề tại trường càng nhiều hơn. Nếu năm học 2018 - 2019, có 70 em thì sang năm học 2019 -2020 là 80 em và năm học 2020 -2021 là 100 em. Cũng theo cách học tập hướng về thực hành nên việc kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo, giúp con em ở vùng biển có việc làm ngay khi ra trường.

Cuộc dịch chuyển từ biển lên bờ ấy đã góp phần ổn định phần nào cuộc sống của các hộ dân ở vùng biển, nhất là những khi biển mất mùa. Ngay cả cu Tèo, dù 2 chân không lành lặn nhưng với tiền bán vé số từng ngày trên phố, em cũng không thành gánh nặng cho gia đình. Có ai đó đã ví rằng, cuộc chia ly với biển, với cả nghề truyền thống và “lên bờ” thành công của thế hệ trẻ vùng biển ấy là cuộc chia ly đầy tiếng cười, khiến tôi sực nhớ đến nụ cười mỉm nhưng có sự hân hoan trong ánh mắt của chú Sáu.

Cần thợ hơn thầy hiện tại được ví như mảnh đất phù hợp cho những lao động biển muốn lên bờ và con em ở vùng biển đi học nghề tại các trường đào tạo nghề trong tỉnh, khi học xong cấp 2 và được miễn phí tiền học.

PHÓNG SỰ: BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tổ chức phiên chợ nhân đạo tại TP.Phan Thiết
Nhằm hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2022, sáng 19/5, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức phiên chợ nhân đạo cho 100 hộ nghèo, khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các em học sinh, trẻ em khuyết tật trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc “chia ly” đầy… tiếng cười