Theo dõi trên

Đánh giá, xếp loại cuối năm: Cần thực chất

16/12/2021, 06:00 - Lượt đọc: 1,008

BT- Đánh giá cán bộ là một khâu quan trọng trong toàn bộ quy trình của công tác cán bộ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này và có nhiều quan điểm chỉ đạo, trong đó có quan điểm đánh giá cán bộ phải đi vào thực chất; đặt cán bộ trong xu thế phát triển để đánh giá và những yêu cầu cụ thể đối với người làm công tác đánh giá cán bộ.

Những ngày này, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị đang rất bận rộn với nhiều công việc cuối năm. Trong đó, việc tổ chức đánh giá, bình xét thi đua là một nội dung quan trọng hàng năm phải thực hiện.

Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức: Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với CBCCVC. Theo đó, Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã ban hành Hướng dẫn số 04-HD/TU, ngày 26/11/2021, về việc hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp cũng đã nêu rõ: “Kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm nhằm để các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và đảng viên, CBCCVC tự soi rọi, tự sửa lại mình; từ đó, đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm…”.

Thực tế, sau một năm làm việc với nhiều nỗ lực, cố gắng ai cũng muốn những nỗ lực của bản thân được tập thể công nhận. Do vậy, việc đánh giá đúng thực chất và năng lực và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, để khen thưởng đúng người, đúng việc là động lực khuyến khích CBCCVC tiếp tục cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Song, hiện nay tình trạng đánh giá xuê xoa, nể nang, sợ mất lòng vẫn còn diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Tình trạng “cào bằng” vẫn còn tồn tại, “chúng ta ai cũng tốt, ai cũng xuất sắc”; có những cuộc họp đánh giá chỉ toàn những lời khen nhau, góp ý thì chỉ xin bổ sung ưu điểm. Những góp ý như vậy vô hình trung làm đội ngũ CBCCVC bị “ảo tưởng năng lực”, không nhận ra được những thiếu sót của bản thân để khắc phục, cũng như thế mạnh để phát huy. Cũng có nơi, việc đánh giá cuối năm là cơ hội để “hạ bệ” uy tín lẫn nhau, moi móc từng ngóc ngách, soi từng tiểu tiết, nâng quan điểm... Biết rằng, làm nhiều thì phải có sai sót nhưng khi phê bình thì cũng phải cho đúng và trên tinh thần xây dựng thì người bị phê bình mới “nhẹ nhàng” tiếp thu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Trong công tác cán bộ thì đánh giá cán bộ lại là cơ sở để làm tốt các khâu còn lại, nhất là để phục vụ cho việc sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc và đạt hiệu quả. Việc đánh giá cán bộ phải được tiến hành một cách thường xuyên, chỉ có như thế mới có thể phát huy hết ưu điểm, thế mạnh của cán bộ, đồng thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh. Vì vậy, làm tốt công tác đánh giá cán bộ chính là chìa khóa để mỗi tổ chức, đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà mình được giao phó.

Hà Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh giá, xếp loại cuối năm: Cần thực chất