Theo dõi trên

Đánh thức tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ vùng trồng thanh long

09/11/2018, 09:28 - Lượt đọc: 54

 BT- Với tổng diện tích gần 28.000 ha, hiện thanh long đã được trồng ở  10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, và Bình Thuận cũng là địa phương đứng đầu cả nước về  cây trồng này.

 Tận dụng tiềm năng nắng, gió

Thống kê trong khoảng 10 năm qua cho thấy, diện tích thanh long Bình Thuận liên tục tăng qua từng năm, đến nay đã tăng hơn 300% về diện tích và gần 380% về sản lượng.

                
Giá cả thu mua thanh long Bình Thuận vẫn    còn bấp bênh. Ảnh: Đình Hòa

Nhằm phát huy lợi thế của vùng trồng, mới đây đã có một số đơn vị đến Bình Thuận, giới thiệu các mô hình tận dụng tiềm năng nắng gió để sản xuất năng lượng tái tạo, chủ động nguồn điện phục vụ canh tác, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu cho những vùng trồng chưa thể tiếp cận điện lưới quốc gia.

Như vào tháng 9/2018, Viện Khoa học năng lượng - Trung tâm Phát triển và Ứng dụng công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã chọn Bình Thuận là địa phương đầu tiên giới thiệu, triển khai thí điểm mô hình liên quan. Đó là xây dựng hệ thống chuẩn phát điện độc lập, lai ghép pin mặt trời và tuabin gió 3 pha hoạt động on/off-grid phục vụ canh tác cây thanh long với sản lượng điện năng phát ra đạt 75.000 kWh/năm… Tháng 10 vừa qua, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận phối hợp Công ty TNHH MTV Nam Hào (Bình Dương) đã hội thảo “Tiết kiệm năng lượng với công nghệ chiếu sáng bằng đèn Led”, trong đó cũng giới thiệu dự án đèn Led năng lượng mặt trời bổ sung ánh sáng cho vườn thanh long.

 … Rải vụ và sản xuất theo chuỗi

Dễ nhận thấy là người trồng thanh long Bình Thuận luôn quan tâm đến những mô hình ứng dụng công nghệ tiết kiệm điện, nước vừa giải phóng sức lao động, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Song thực tế, không ít trường hợp còn ái ngại, bởi nếu chấp nhận mức phí đầu tư cao để đem lại hiệu quả sản xuất, nhưng liệu có đảm bảo lợi nhuận khi giá cả thu mua thanh long vẫn khiến người trồng “đứng ngồi không yên”.

Có ý kiến cho rằng cây thanh long Bình Thuận đang mất dần lợi thế nổi trội vì nhiều địa phương trong nước, hay thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc cũng trồng được nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải định hướng phát triển thanh long theo hướng bền vững, gắn thâm canh, tăng năng suất, nâng chất lượng với đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để mở rộng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đồng thời tích cực vận động người trồng tham gia các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi và coi đây là khâu then chốt giúp tiêu thụ thanh long được ổn định…

Trước thực trạng giá cả thanh long đột ngột giảm sâu như thời gian qua, rất cần các đơn vị chức năng và địa phương  khuyến cáo người trồng sản xuất rải vụ, tránh khủng hoảng thừa cục bộ. Ngoài tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đối với thị trường Trung Quốc, cần thông qua hải quan cửa khẩu hoặc Cục Xúc tiến thương mại để kịp thời đưa ra dự báo cho người trồng thanh long trong tỉnh… Mặc khác, cần tính đến các giải pháp giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận; nghiên cứu ứng dụng công nghệ kéo dài thời gian bảo quản, đa dạng hóa sản phẩm chế biến nhằm giảm áp lực tiêu thụ trái tươi. Ngay cả ngành du lịch địa phương cũng cần giới thiệu sản phẩm lợi thế tại các sự kiện; vận động cơ sở du lịch đưa thanh long vào thực đơn của du khách. Được vậy, hình ảnh, thương hiệu thanh long Bình Thuận sẽ có mặt khắp nơi, để qua đó mở rộng khâu tiêu thụ sản phẩm, vì đây là sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người.

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh thức tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ vùng trồng thanh long