Một tấm bảng bằng gỗ không sơn phết, gác trên cái giá đỡ, đặt bên lề sát đường đi ở khúc đầu đường vào thị xã. Tất cả xe cộ và người đi đường, đi chợ ngang qua đây đều phải dừng lại để thực hiện cái gọi là công tác xóa mù chữ, của những năm cuối thập niên 50, thế kỷ trước.

 Nhiều cảnh tượng trớ trêu cười ra nước mắt đã xảy ra nơi cái chốt chặn này. Trên tấm bảng có viết những dòng chữ bằng phấn trắng bao gồm chữ in 24 chữ cái A B C... bên dưới tiếp theo là các chữ I T TI TÍ, TỊ, TÌ. Đọc là i, tờ, tờ i ti. Tờ i ti sắc tí, tờ i ti nặng tị, tờ i ti huyền tì. Thêm các chữ con cá, cái nhà, cha mẹ, anh em... Mỗi người dân đi qua đây đều phải đến đứng trước bảng để đọc chữ, chỉ chữ nào đọc chữ đó, đủ từ 3 đến 5 chữ mới được cho qua. Cái cảnh lạ lùng này làm cho mọi người ở gần hoặc hiếu kỳ đi ngang đều dừng lại để xem, và cười thích thú khi có người không đọc được mặt chữ hay đọc ráp vần không được. Trong đó có lũ chúng tôi, những nhóc tì đang học lớp tư, lớp năm, ở Trường tiểu học Hàm Thuận gần đó chạy ra xem. Mấy chữ này chúng tôi thuộc lòng, mà có lúc thấy mấy người đi chợ lớn hơn bọn tôi nhiều, lại có người không thuộc, cứ ngắc ngứ trong họng, mặt mày thì đỏ gay mà rặn không ra chữ, ghép vần thì trật lên trật xuống. Mấy bạn học lớp tư nhanh nhẩu chỉ cho vài người hay đọc to lên cái con chữ mà chị kia chưa đọc được rồi cả bọn đua nhau ù té chạy. Vậy mà vẫn có người không đọc được, có khi gắt quá người ta không cho qua, đành phải gánh hàng ngược trở về hoặc nhắn người nhà có biết chữ đến đọc giùm để gánh được hàng qua đi chợ.

dnp-xe-tho-mo-o-thuan-an-binh-duong-03.jpg
Ảnh minh họa

Ngày đó, chưa có xe lam, xe hơi chỉ vài ba chiếc loại Traction hay Peugeot của Pháp chỉ chở khách sang đi Di Linh, Đà Lạt, hoặc từ Phan Thiết đến Ma Lâm và ngược lại, không có chở hàng nên những bà con nông dân ở dọc trục đường 8 tỉnh lộ đều phải gánh bộ hoặc đi xe ngựa, xe bò. Nhà tôi ở cây số 1 xóm động giá, bên kia đường là chợ Đồn, đi lên một chút là đến đồn Trinh Tường và trường tiểu học. Gọi là cây số 1 là bởi vì ở ngay ngã ba có cái cột trụ đúc bằng xi măng ghi chữ là trụ số 1 và Ma Lâm 18 cây số, có nghĩa là Ma Lâm còn cách 18 cây số nữa. Cột trụ số 0 đặt nằm tại ngã tư Bưu Điện, trước mặt Ty Ngân Khố cũ. Cột trụ số 2 nằm ở phía trên cầu sắt xóm Gò Tranh, cột trụ số 3 năm ở xóm Cây Xay, làng Tân An sau gọi là làng Tân Phú Xuân. Ngôi nhà cũ đầu tiên anh em tôi ở khi ba mẹ tôi được ông bà ngoại cho ra riêng. Nhớ mãi những ngày đầu dựng nhà, loại nhà gỗ cột tán, khoan lỗ đóng mộng, bên trên có gác. Không biết được ai bày cho mà ông anh tôi cứ luôn miệng hát: Cái nhà là nhà của ta. Công khó ông cha làm ra. Các con phải giữ gìn lấy. Muôn năm với nước non nhà. Với tôi, căn nhà đó còn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ mà khởi đầu, bắt nguồn cũng từ anh tôi. Anh đưa tôi đến bên một cây cột sau bên hè nhà, đứng nép sát vào rồi dùng dao khứa vào mép trên chỗ đầu anh đứng cao tới đó. Đến phần tôi cũng vậy, anh bảo là để nhớ lúc làm nhà này anh em mình đã cao đến chừng này. Chuyện đó sau này tôi cũng quên, cho đến khi nhà gỗ được phá ra để xây lại nhà gạch, thì tôi cũng không biết trong đống gỗ đó có cây cột nào mang dấu dao khắc của anh tôi. Mỗi ngày đi học, tôi đều đi bộ đến trường trên con đường này. Đường đã bị bong tróc lớp đá và nhựa đường ở hai bên mép, chỉ còn lại cái sống lưng chính giữa là còn tương đối, hai bên đường chỉ toàn cát. Ngày nào tôi cũng trông thấy những chuyến xe ngựa khó nhọc chở hàng và người nặng trĩu, gõ móng mệt nhọc chạy vào thị xã. Người đánh xe ngồi ngay trước càng xe, miệng kêu chóc chóc, tay cầm cán roi gõ nhịp vào mông con ngựa, còn tay kia thỉnh thoảng với sang bóp vào cái bầu cao su còi hơi, gắn bên thành xe kêu toe toe. Người đi chợ ngồi lọt vào trong xe, còn thúng mủng, gióng gánh đựng hàng, bao bịch thì treo đầy bên ngoài quanh xe từ trước ra sau. Xe ngựa chạy trên đường nhựa đã cũ, bị tróc ổ gà, lở lói nhiều nơi nên xe đi không được thăng bằng, mà cứ nghiêng hết bên này sang bên khác theo nhịp của bánh xe lọt vào chỗ hụp. Người ngồi trên xe xem chừng cũng không an toàn cho lắm, phải vịn vào các thanh sắt trên xe cho khỏi ngã. Xe ngựa thời đó, mỗi ngày chỉ chạy có một chuyến đi về qua chợ. Bỏ người và hàng xong là tháo ngàm ngựa cho ăn cỏ và uống nước cám đường, nghỉ ngơi chờ vãn chợ để chở người về. Xe lúc về không có hàng nên nhẹ hơn khi xuống, ngựa chạy buồn chân. Tiếng lục lạc đeo trên cổ xen lẫn tiếng lóc cóc, đều đều của vó ngựa, nghe cũng vui tai làm cho quãng đường về như ngắn lại.
Trên mỗi chuyến xe xuống chợ, khó khăn nhất là khúc qua cầu để xuống dốc quẹo phải vào bến ở phía bên kia sông. Hai mố cầu là hai cái dốc cao nghêu so với phương tiện chuyên chở thô sơ bằng ngựa thời đó. Một chiếc xe ngựa chở toàn là tre cây, chất đầy trên xe dài suốt từ đầu đến cuối đuôi xe. Từ dưới chân cầu, người đánh xe chạy bộ theo xe vừa luôn miệng giục cho ngựa gắng sức vượt lên, đến gần đỉnh dốc còn ghé thêm vai vào càng xe để phụ thêm cùng ngựa, có người đi đường thấy cảnh đó cũng vội ghé vào giúp cho một tay. Đã vậy, qua bên kia cầu thì vừa xuống dốc vừa quẹo xe vô bến ở bờ sông. Lúc này, người đánh xe không còn đẩy phụ, mà dùng cả thân mình tựa hẳn vào thân xe, hai tay kéo dây cương cho ngựa ngẩng cao đầu, cả người và ngựa đều dùng chân của mình chỏi ra phía trước trên mặt đường, để ghìm đà lao của xe khi xuống dốc, còn miệng thì luôn la lớn: Dô, dô, tránh ra, tránh ra, để cho xe khỏi va vào người khác ở phía trước và cả hai bên đường. Đến khi vào được bãi đổ bên bờ sông, là cả người và ngựa đều ướt sũng mồ hôi, miệng ngựa có khi sùi cả bọt. Thật tình mà nói, lúc nhỏ sao mà mê, mà thích đi xe ngựa đến lạ! Cứ nhìn cảnh những người đang được ngồi trên xe cho ngựa chở đi, lòng cứ nghĩ sao mà sướng thế. Sướng thật, kiểu ngồi vắt vẻo, ngả nghiêng trên xe mặc cho ngựa chạy, khỏi đi bộ mỏi chân, qua đến phố lại được đi chơi, lại được ăn hàng. Tiếng xe ngựa gõ nhịp trên đường, vó ngựa đều đều nhịp nhàng nơi những khúc đường còn tốt, lóc cóc trên đường ra phố chợ nghe thật vui tai và hấp dẫn. Làm lũ nhỏ chúng tôi thêm cao hứng để chạy bộ theo xe. Vừa chạy theo xe, vừa có đứa thót ngồi lên thành xe ở phía sau. Người đánh xe ngoái lại quát nộ, xuống, xuống, có xuống không? Ông vung cây roi lên vút trót trót phía trên đầu chúng tôi, nhằm dọa không cho chúng tôi chạy theo xe nguy hiểm, dễ bị vấp té trên mặt đường. Nhưng lần nào cũng vậy, thấy bóng xe ngựa và tiếng lục lạc reng reng từ xa, là hình như có một hấp lực nào đó khiến lũ trẻ chúng tôi đều cất bước chạy theo. Có khi là một đoạn, có khi là qua hẳn luôn bên phố, lang thang đi dọc bờ sông rồi quay ngược lên cầu, qua phía vườn bông rong chơi hết buổi mới về.
Bây giờ biết tìm đâu ra cái hình ảnh chiếc xe ngựa chở hàng và người như ngày xưa ở đất quê tôi! Lối xưa xe ngựa giờ tìm đâu? Không còn nữa rồi, nhớ ở làng Lại Yên xưa có cả một xóm chuyên nuôi ngựa và đóng xe chở hàng giờ cũng không còn. Một thời, hình ảnh của người và ngựa khom lưng chở hàng, trông thật cực khổ khi xuống phố, đối nghịch với lúc xe không hàng, ít người, thong dong gõ móng trên đường thủng thẳng. Người đánh xe đã gác cây roi ngược cán vào càng xe, dây cương cũng thả lửng lơ trên lưng ngựa, nhẹ nhàng thong thả hơn nhiều so với lúc sáng chở hàng. Nhớ về những chuyến xe ngựa qua nhà, nhớ những lần ngựa khuỵu chân khi lên đầu dốc, rồi lại nhớ đến những vấp ngã của cuộc đời mình. Đường phố nay rộng rãi, láng mướt nhựa đường, bến xe, bãi đỗ ngày xưa giờ phố xá mọc đầy, xe thô sơ bị cấm không cho vào thành phố. Mà sao tôi cứ mơ hoài chuyện viển vông, mùa tết tới lấy ai đưa hoa về phố để mọi người đón xuân!?

NGUYỄN DŨNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hoài niệm Phan Thiết xưa
BT- Choeng, choeng, choeng. Thùng cà rùng tùng thùng. Thùng choeng, thùng choeng. Tiếng trống, tiếng chiêng ngày ấy chạy rông trên chiếc xích lô đạp, đi khắp phố nhỏ của thị xã Phan Thiết để quảng cáo và thông báo chương trình chiếu phim cùng những tờ chương trình (Program) tóm tắt phim sẽ chiếu vào buổi tối, mãi vẫn còn in đậm trong những trái tim hiếu động của bọn trẻ chúng tôi. Đường phố thị ngày trước không nhiều, loay hoay cũng vẫn những quãng nhỏ đường nhựa đi về các ấp phố không xa. Cũng vẫn những tên gọi thân thương như tự thuở nào... Trung tâm thì Đức Nghĩa, Đức Thắng, còn gọi là xa hơn thì cũng chỉ mấy bước chân như Phú Trinh, Bình Hưng, Hưng Long, Đức Long, Lạc Đạo...
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu lặng thời gian