Theo dõi trên

Để sản xuất thanh long VietGAP bền vững

19/10/2018, 08:29

BT- Toàn tỉnh hiện có khoảng 29.000 ha thanh long với sản lượng khoảng 500.000 tấn/năm. Trong đó, thanh long VietGAP đạt khoảng 7.680 ha, chiếm gần 30% diện tích thanh long cả tỉnh với hơn 9.000 hộ nông dân tham gia. Tuy nhiên, thanh long VietGAP hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: số diện tích đánh giá tái cấp chứng nhận giảm nhiều. Các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc thu mua thanh long VietGAP nên người dân chưa mặn mà. Bên cạnh đó, một số địa phương thiếu đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt đối với việc phát triển sản xuất theo hướng VietGAP… 

Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 9.700 ha thanh long VietGAP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thanh long (trung tâm) tích cực phối hợp với các địa phương vận động người trồng thanh long tham gia phát triển thanh long bền vững.  Từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm đã trực tiếp làm việc với các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Tuy Phong để rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm thay thế ngay những tổ trưởng không tiếp tục tham gia chương trình VietGAP. Đến nay nhiều xã đã thực hiện xong như: Hàm Hiệp, thị trấn Ma Lâm, thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc); xã Hàm Minh, Hàm Cường, Tân Thành và Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam).

Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp với các xã, thị trấn vận động người trồng thanh long tham gia chương trình VietGAP. Tính chung, đến tháng 4/2018, đã tổ chức đánh giá chứng nhận cho 16 tổ, nhóm với tổng số người tham gia là 501 người, tăng 35 người so với lần chứng nhận trước. Đã có một số hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn Gap (VietGAP và GlobalGAP) như: Hợp tác xã Thuận Tiến, Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc), Hợp tác xã Hàm Minh 30 (Hàm Thuận Nam). Tuy nhiên,  khả năng tiêu thụ của các hợp tác xã còn hạn chế, chưa thể thu mua rộng rãi sản phẩm của người trồng thanh long trong vùng.

Do thanh long là cây trồng chủ lực của một số địa phương trong tỉnh nên năm 2009, UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ các nhóm, tổ sản xuất thanh long VietGAP các chi phí về phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu trái, kinh phí tập huấn quy trình sản xuất thanh long VietGAP nhằm đảm bảo yêu cầu cho việc chứng nhận sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.  Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các mô hình phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt kết quả tích cực, qua đó góp phần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả sản xuất của người trồng thanh long trong tỉnh.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để sản xuất thanh long VietGAP bền vững