Theo dõi trên

Nỗi đau “da cam”

06/06/2017, 08:50 - Lượt đọc: 12

BT- Hình ảnh 2 người già ốm yếu oằn mình đẩy con trai dị tật trên chiếc xe lăn đi kiếm sống hằng ngày đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Gia đình có 3 người đều bị nhiễm chất độc da cam nhưng người con trai bị nặng nhất, bị dị tật và bại não nên lúc nào cũng cười ngây ngô...

                
Gia đình ông Nguyễn Văn Dẫu, bà Võ Thị Lan    cùng con trai đều bị nhiễm chất độc da cam.

Tháp tùng đoàn của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đến thăm và tặng quà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn của xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Tại đây, chúng tôi gặp rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh mà nạn nhân và gia đình nạn nhân đang phải gánh chịu. Hình ảnh của bố mẹ già yếu run rẩy vì bệnh đang oằn lưng đẩy cậu con trai duy nhất bị dị tật giữa cái nắng trưa gắt gao của vùng gió cát Hòa Thắng đến nhận quà, khiến chúng tôi xúc động. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Dẫu và bà Võ Thị Lan cùng con trai là Nguyễn Minh Tường.

Dù chiến tranh đã đi qua nhưng hàng triệu người Việt Nam vẫn đang gánh chịu những di chứng dai dẳng do chất độc da cam. Nỗi đau này truyền từ thế hệ ông đến bố, mẹ sang con… Những ông bố, bà mẹ đầu bạc trắng vẫn miệt mài chăm bẵm cho những đứa con bị dị tật, chân tay teo tóp, bị bại não phải nằm liệt một chỗ sống cảnh thực vật suốt đời. Và câu chuyện về nỗi đau mang tên “da cam” của ông Dẫu, bà Lan mới chỉ là một trong vô vàn gia cảnh khó khăn đang bị phơi nhiễm chất độc da cam. Hơn 20 năm sinh con ra là bằng chừng ấy năm vợ chồng ông bà phải chăm sóc không rời đứa con bị dị tật và bại não. Nhà nghèo, sức khỏe cả hai đều yếu do ảnh hưởng chất độc da cam nên không đi làm thuê làm mướn như những người khác được. Để mưu sinh, nuôi con, ông Dẫu và bà Lan hằng ngày vẫn đi lượm phân bò để bán. Rồi đến mùa mì, đậu phộng, đào (điều) thì chờ người ta hái xong rồi đi mót lại. Ông bà đi đâu cũng đều để con ngồi trên xe lăn đẩy đi cùng vì nếu không có mẹ là anh Tường lại la hét, quậy phá, một mình ông Dẫu không giữ được. Hình ảnh gia đình ông Dẫu, bà Lan và anh Tường đi đâu cũng có nhau dù trời nắng hay mưa đã trở nên quen thuộc với bà con thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thằng.

“Biết mang con đi cùng mình, chịu nắng chịu mưa rất tội, bản thân vợ chồng tui cũng yếu nên giờ đẩy xe cho con cũng vất vả nhưng hoàn cảnh bắt buộc nên phải chấp nhận. Nhiều lúc hai vợ chồng mải lượm phân bò hay đi mót mì, mót đậu, để thằng Tường bên đường, nó quậy là cả nó và xe cùng lăn xuống đường. Hay như mỗi lần xuống đường dốc, cả tui và ông chồng đều phải dùng hết sức để ghì xe lăn của con lại vì không có thắng, vậy mà cũng có lúc không giữ nổi, cả ba cùng ngã chảy máu là chuyện thường. Nhưng điều vợ chồng tui lo nhất là sau này mình già yếu, chết đi, sẽ không ai chăm sóc con. Tuy giờ có vất vả nhưng mình vẫn cố gắng chăm sóc cho con từng miếng ăn, giấc ngủ song cũng không thể sống được mãi để lo cho con. Nghĩ đến ngày đó vợ chồng tui day dứt không yên…”, bà Lan chua xót chia sẻ.

Chị Trần Thị Bích Ngân - Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Hòa Thắng (Bắc Bình) cho biết, do trước đây khu vực này là chiến khu, những năm 1965 - 1966 quân Mỹ đã rải chất độc hóa học xuống đây. Chính vì vậy, hiện nay Hòa Thắng là xã có nhiều nạn nhân nhiễm chất độc da cam hơn so với vùng khác. Hỏi về hoàn cảnh gia đình ông Dẫu, chị Ngân nói thêm: Hộ ông Dẫu, bà Lan thuộc diện nghèo, cả nhà đều bị nhiễm chất độc da cam nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Trước đây gia đình ông Dẫu ở trong ngôi nhà lá tạm bợ, năm 2015 được sự quan tâm của chính quyền, các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm nên xây được căn nhà bằng tôn để ở nhưng không đủ kinh phí để xây thêm nhà vệ sinh. Nhiều lần bà Lan tâm sự rằng mong muốn có nhà vệ sinh để không phải đi ra đồng, nên chúng tôi đang vận động để giúp đỡ thêm cho gia đình bà. Nhưng điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là gia đình ông Dẫu, bà Lan được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng rất ít ỏi, do vậy cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

Mặc dù Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và cộng đồng xã hội luôn có sự quan tâm ân cần, thiết thực đến những nạn nhân nhiễm chất độc da cam để phần nào xoa dịu nỗi đau trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, nỗi đau mang tên da cam/dioxin và những di chứng dai dẳng của nó từ bao lâu nay vẫn là điều nhức nhối.

Ngọc Hân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi đau “da cam”