Theo dõi trên

Hiệu quả của duy trì sinh hoạt dân cư ở Bình Tân

08/11/2021, 08:25

 BT- Xã Bình Tân (Bắc Bình) làm tốt công tác thu hút người dân, đoàn viên, hội viên ở các thôn, khu phố và Mặt trận, tổ chức đoàn thể duy trì sinh hoạt thường xuyên góp phần vừa phát huy quy chế dân chủ cơ sở, vừa đạt nhiều kết quả trong phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đường khu Bàu Ổi, thôn Bình Sơn.

 “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Con đường bê tông phẳng lỳ phía đông khu vực Bàu Ổi thuộc tổ tự quản số 7, thôn Bình Tân vừa hoàn thành trong niềm vui mừng của 14 hộ dân nơi đây. Không vui sao được, bởi trước đây nơi này chỉ là bờ ruộng nối với một đoạn đường đất cát nắng sụt lún, mưa thì ngập như suối. Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh – Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Bình Sơn nhớ lại: “Từ lâu bà con đã mơ ước biến lối mòn bờ ruộng này thành đường làng. Nhưng rồi cuộc sống người dân đa phần khó khăn, các hộ dân sống xung quanh thưa thớt dù có đóng góp cũng không đủ kinh phí làm mới con đường”. Vì vậy, Ban Điều hành thôn quyết định vận động được các hộ dân có ruộng hai bên hiến đất, đắp đường mở rộng lên 3m. Đường vào xóm còn có một đoạn cát sụt lún, vậy là người dân nghĩ ra sáng kiến rất hay đó là mua trụ thanh long cũ lót thành đường đi với chiều dài hơn 300m. Chỉ đến tháng 4/2021, tin vui khi Ban Điều hành thôn đã vận động mạnh thường quân ủng hộ 30 triệu đồng. Trưởng thôn Bình Sơn Nguyễn Văn Cam sau đó nhanh chóng họp dân triển khai, người dân ai nấy đều vui tự nguyện góp tiền, ngày công, vật tư bê tông thêm 300 m đường với tổng kinh phí 150 triệu đồng.

Đó là một trong số rất nhiều việc khó khăn nhờ sự đồng tình của người dân mà thành công ở thôn Bình Sơn. Trưởng thôn Nguyễn Văn Cam khẳng định: “Để người dân tin tưởng ủng hộ, mọi công việc của thôn không phải dễ dàng. Từ nhiều năm trước đây, trưởng thôn phải đứng ra tổ chức các cuộc họp dân duy trì thường xuyên, xây dựng quy chế hoạt động của thôn và kế hoạch thực hiện. Hơn 2 năm nay thôn Bình Sơn duy trì họp tổ tự quản vào tối 25 hàng tháng để lắng nghe những tâm tư của bà con. Các tổ tự quản ví như “cánh tay nối dài” chuyển tải những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của thôn lên Đảng ủy, UBND xã giải quyết, nhờ vậy đã tạo niềm tin cho nhân dân”. Năm 2019, lần đầu tiên buổi sinh hoạt thôn ban đêm còn có Bí thư Huyện ủy về dự và đánh giá cao việc phát huy quy chế dân chủ cơ sở.

Thôn Bình Sơn là địa bàn rộng, dân cư đông với hơn 900 hộ dân và 4.015 nhân khẩu. Toàn thôn đã lập ra 10 tổ tự quản, đội ngũ “vác tù và hàng tổng” đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện mà không có một khoản thù lao nào... Để động viên, Ban Điều hành thôn Bình Sơn đã kiến nghị lên xã xin chủ trương thu quỹ cơ sở với mức đóng góp 24.000 đồng/năm/hộ. Các tổ tự quản đứng ra thu người dân đóng góp, số tiền quỹ này duy trì trích 40% hỗ trợ cho tổ tự quản, 60% còn lại tổ chức thăm hỏi những hộ gia đình khó khăn, neo đơn, thăm viếng ốm đau, tang lễ.

 “Cầu nối” chính quyền với người dân

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân đánh giá: “Việc duy trì sinh hoạt ở địa bàn dân cư đã giúp cho cấp ủy, chính quyền chuyển tải được thông tin đến người dân và tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, tạo được sự gần gũi giữa chính quyền và người dân, tạo sự đồng thuận của người dân tham gia hưởng ứng các phong trào của xã”.

Thời gian qua, Đảng ủy xã Bình Tân đã quan tâm chỉ đạo các chi bộ thôn, Mặt trận các đoàn thể duy trì sinh hoạt ở các địa bàn dân cư, duy trì sinh hoạt tổ, nhóm của các đoàn thể. Các cuộc họp ở địa bàn như sinh hoạt từng cụm dân cư gắn kết các công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND với công tác của Mặt trận xã, UBND xã đã có nhiều chuyển biến. Các ban điều hành thôn đã thu hút nhân dân tham dự điển hình là các khu dân cư ở tổ tự quản số 3, 7, 8,9,10 thôn Bình Sơn. Các tổ tự quản số 1,2 thôn Bình Nhơn; khu vực xóm Mới, thôn Bình Nghĩa; câu lạc bộ phụ nữ thôn Bình Sơn, Bình Nghĩa, Bình Nhơn; chi hội người cao tuổi các thôn…. Các thôn đều tổ chức họp dân theo từng cụm để báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của xã, thôn, công khai các khoản thu chi tiền điện thắp sáng, vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn, nhất là giặm vá các tuyến đường 100% là từ nguồn đóng góp của nhân dân. Trong phong trào làm đường giao thông, xã chú trọng phát huy dân chủ cơ sở trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau khi họp dân để dân cho ý kiến ước lượng tuyến đường của mình cần giặm vá là bao nhiêu m3 đất, mức đóng góp của mỗi hộ gia đình, hộ khó khăn nào được miễn giảm là do dân quyết định. Ban Điều hành thôn và đại diện hộ dân sẽ thu tiền, UBND xã tiến hành giặm vá, người dân giám sát. Họp dân để công khai kinh phí thi công.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp không thể trực tiếp họp dân được thì xã Bình Tân đã thành lập ở 27 tổ tự quản, 27 nhóm zalo để chuyển tải các thông tin đến người dân, đồng thời công khai số điện thoại của cán bộ xã, thôn để người dân phản ánh thông tin.

Tính từ tháng 5/2019 đến nay Bình Tân đã vận động nhân dân thi công 22 tuyến điện thắp sáng nông thôn giao cho các thôn quản lý. Cuối năm 2020, xã đã sỏi hóa và giặm vá 13 tuyến đường, số tiền vận động dân và mạnh thường quân ủng hộ là 117 triệu đồng; vận động nhân dân đóng góp ngày công và tiền làm 1 tuyến đường bê tông 100 triệu đồng.

 Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân thông tin.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả của duy trì sinh hoạt dân cư ở Bình Tân