Theo dõi trên

Hội nghị xúc tiến đầu tư 2019: Kỳ vọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh

04/09/2019, 08:51

BT- Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng hợp tác đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Theo đó, năm 2018, sản phẩm nội tỉnh (GPDP) tăng 8,08%, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh tăng lên 64 điểm, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành trên cả nước, thu ngân sách nội tỉnh đạt 7.369 tỷ đồng, tăng 20,3%, GRDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.251 USD, tăng 13,75%. Đặc biệt các công trình, dự án trọng điểm như sân bay Phan Thiết, các dự án năng lượng, Cảng quốc tế Vĩnh Tân được đẩy nhanh thực hiện… 

                
   Ảnh: Đ.Hòa

Từ tiềm năng và lợi thế

Tỉnh Bình Thuận nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí hết sức thuận lợi, cùng nguồn tài nguyên đa dạng, vùng biển thuộc biểnđông tiếp giáp đường hàng hải quốc tế với bờ biển dài 192 km, có số giờ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thời tiết thiên nhiên. Định hướng phát triển đến năm 2030 vẫn tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông, lâm, thủy sản dựa trên các trụ cột du lịch, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Hơn nữa, Bình Thuận có điều kiện tự nhiên về khí hậu, tài nguyên đất, tài nguyên biển rất thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn gắn với chế biến xuất khẩu. Trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam nói chung và Mũi Né nói riêng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Thuận được xác định là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước và hình thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế. Bình Thuận còn có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.048 ha với hạ tầng hiện đại đồng bộ về nguồn điện, nước, viễn thông, nhà máy xử lý nước thải. Trong đó, các khu công nghiệp như Phan Thiết (giai đoạn 2), Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2, Tuy Phong đang thu hút đầu tư. Các khu công nghiệp Sông Bình, Tân Đức, Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 đang triển khai thủ tục đầu tư. Đồng thời, Bình Thuận còn có 23 cụm công nghiệp tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có 11 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng thu hút các dự án công nghiệp chất lượng. Ngoài ra, Bình Thuận còn sở hữu tiềm năng phát triển công nghiệp năng lượng nhiệt điện, thủy điện, điện gió và điện mặt trời với tổng công suất quy hoạch là 29.000 MW, có số giờ gió và bức xạ nhiệt cao và ổn định, rất phù hợp và thuận lợi để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ngoài khơi. 

Tháo gỡ những điểm nghẽn

Tuy có nhiều lợi thế, tiềm năng, song quá trình phát triển kinh tế tỉnh vẫn còn những điểm nghẽn. Cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ logistics chưa được đầu tư đồng bộ, là một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Sau khi quốc lộ 1A được nâng cấp và mở rộng, hệ thống vận tải logistics ở Bình Thuận đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Các công trình giao thông trọng điểm như sân bay, các tuyến cao tốc Bắc – Nam hiện nay chưa được hoàn thiện, mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo. Các kết nối hạ tầng giao thông ở địa phương với các tuyến quốc lộ cũng còn khó khăn và không đồng bộ. Hầu hết các dự án lớn, ven biển đều nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2020, có xét đến 2030 và khu vực trữ khoáng sản quốc gia. Theo quy định, trước khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề này, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, Bình Thuận còn chịu ảnh hưởng trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xói lở bờ biển, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế các khu vực ven biển…  

Khai thác tối ưu lợi thế và tiềm năng

Để tiếp tục khai thác tối ưu lợi thế và tiềm năng phát triển của tỉnh, vào cuối tháng 9/2019, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án vào các lợi thế của tỉnh. Trong đó, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tầm cỡ để phát triển Bình Thuận thành một điểm đến hấp dẫn, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ ngành du lịch, tạo cơ hội tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch đến tỉnh. Ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện Phú Quý đảm bảo các tiêu chí về thân thiện môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển đảo. Kêu gọi đầu tư các dự án du lịch dịch vụ, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch vào ban đêm. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, tạo năng lượng tái tạo, trên nguyên tắc lựa chọn các nhà đầu tư “sếu đầu đàn”, có năng lực, chiến lược, tỉnh sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, chú trọng các dự án đảm bảo thân thiện với môi trường.

Bình Thuận còn có nguồn tài nguyên nông nghiệp khá đa dạng, có lợi thế nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của các loại nông sản. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đóng góp khoảng 28% vào GRDP, giải quyết việc làm hơn 60% lực lượng lao động của địa phương. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận… Đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, hiện đang đóng góp khoảng 31% vào GRDP của tỉnh, trong đó Bình Thuận được quy hoạch là trung tâm năng lượng quốc gia với tổng công suất trên 12.000 MW vào năm 2020. Tính đến nay. toàn tỉnh có 108 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư với tổng công suất 1.832 MWp và tổng vốn đầu tư là 59.000 tỷ đồng…

PHAN LIÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị xúc tiến đầu tư 2019: Kỳ vọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh