Theo dõi trên

Kế hoạch dài hơi về tài chính

13/12/2021, 06:39

BT- Lần đầu tiên một kế hoạch tài chính của tỉnh được xây dựng xuyên suốt theo nhiệm kỳ 5 năm. Đây là điều cần thiết để tỉnh chủ động trong việc phân bổ ngân sách, chi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2021 là năm đầu tiên HĐND tỉnh phê duyệt kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại Nghị định số 31/2017 của Chính phủ ban hành quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm địa phương, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hàng năm và Thông tư số 69/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm.

Theo đó, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ giải pháp trong kế hoạch tài chính 5 năm qua một số nội dung sau: Về mục tiêu tổng quát: Tỉnh sẽ huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động nguồn lực phòng, chống dịch bệnh, thiên tai và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ động hội nhập quốc tế. Cùng với việc tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động của ngân sách địa phương các cấp gắn với nâng cao và cá thể hóa trách nhiệm; quản lý chặt chẽ nợ chính quyền địa phương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách địa phương.

Đối với mục tiêu cụ thể, Bình Thuận phấn đấu bình quân hàng năm, huy động GRDP vào ngân sách (chưa tính các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu) khoảng 7,5 - 8%. Chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 35% tổng chi ngân sách địa phương.

Để hoàn thành  các mục tiêu trên, HĐND tỉnh sẽ định hướng công tác tài chính địa phương giai đoạn 2021 – 2025, với phương châm: Đối với thu ngân sách nhà nước: Cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, thúc đẩy tăng thu hợp lý kết hợp nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bền vững. Đẩy mạnh các biện pháp khai thác hiệu quả các nguồn thu còn dư địa thu, giảm nợ đọng, mở rộng cơ sở thuế, đẩy mạnh công tác chống thất thu ngân sách nhà nước. Về chi ngân sách nhà nước: Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ... theo quy định của pháp luật. Về cân đối ngân sách nhà nước: Đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo không vượt quá hạn mức dư nợ vay tối đa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển.

Để thực hiện tốt các mục tiêu và định hướng trên, HĐND tỉnh đã nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp: Chấp hành nghiêm Luật Ngân sách nhà nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi để đạt tỷ lệ huy động GRDP vào ngân sách nhà nước cao hơn. Quản lý và kiểm soát chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm để có nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển; bảo đảm đủ nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên cho giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ; tập trung cao hơn các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19... Bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đẩy mạnh tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, nợ chính quyền địa phương theo kế hoạch trung hạn, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, nợ chính quyền địa phương, quản lý tài sản công.

Một kế hoạch tài chính dài hơi được HĐND tỉnh phê duyệt sẽ là tiền đề để UBND tỉnh chủ động hơn trong quá trình điều hành và chi cho đầu tư phát triển.

NHƯ NGUYỄN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế hoạch dài hơi về tài chính