Theo dõi trên

Làm gì khi số ca mắc Covid-19 tăng lại?

09/08/2022, 14:46 - Lượt đọc: 1,146

BTO - Gần đây, số ca mắc mới Covid-19 trong cả nước nói chung và tại Bình Thuận nói riêng có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, có ca bệnh nhập viện và diễn tiến nặng.

Tăng trở lại

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát, nhưng các ca mắc COvid - 19, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây có sự gia tăng trở lại. Đi cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây. Trong tháng 7/2022, toàn quốc ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong. Số ca mắc mới trung bình 1.000 ca mỗi ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, tử vong giảm 2 ca, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%.

Riêng tại Bình Thuận, từ 22/7 - 9/8/2022, toàn tỉnh có 82 ca mắc mới Covid-19, bình quân mỗi ngày có khoảng 4 - 5 ca. So với thời điểm tháng 6 và đầu tháng 7, số ca mắc mới Covid-19 vào đầu tháng 8 có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý, có 2 -3 ca diễn tiến nặng trong những ngày gần đây. Chẳng hạn, toàn tỉnh có 9 ca mắc mới vào ngày 6/8, 8 ca mắc mới và 2 ca chuyển nặng vào ngày 8/8, 7 ca mắc mới vào ngày 9/8.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là mức độ nguy hiểm. Các biến thể có khả năng làm giảm miễn dịch (giảm hiệu quả vắc xin) theo thời gian và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong; có thể làm dịch bùng phát trở lại.

tiem-kt-1.jpg
Đeo khẩu trang, tiêm vắc xin phòng Covid-19

2K + vắc xin…

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, di dân là điều kiện thuận lợi để dịch xuất hiện và lây lan. Sự xuất hiện, tiến hóa của các biến chủng mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động. Vì vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Đó là phân tích của Bộ Y tế.

Mặc dù nhiều khó khăn trên, Bộ Y tế vẫn đặt mục tiêu tính mạng của người dân lên trên hết. Với giải pháp là thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại. Việt Nam hiện cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững. Tuy nhiên, sự cảnh giác với các biến thể mới của vi rút luôn trong tư thế sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Song hành, đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Mới đây, Sở Y tế Bình Thuận ban hành văn bản yêu cầu: Tất cả cán bộ, nhân viên và người lao động thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, nơi tập trung đông người, các khu vực công cộng. Đồng thời, kêu gọi người dân tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với các cuộc họp, hội nghị, tổ chức tập trung đông người thì phải đảm bảo việc đeo khẩu trang, bố trí dung dịch sát khuẩn. Các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay gồm “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Từng giải pháp sẵn sàng ứng phó Covid-19
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 được khống chế, kiểm soát, nhưng ngành y tế tỉnh vẫn có giải pháp cho tình huống ứng phó dịch này, trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì khi số ca mắc Covid-19 tăng lại?