Theo dõi trên

Mô hình rau an toàn ở Đức Tài

14/01/2016, 08:34

BT- LTS: Thời điểm giáp tết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm khá cao, trong đó có rau xanh. Trước tình trạng thực phẩm bẩn đang len lỏi khắp các chợ, thậm chí vào cả siêu thị đã làm người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Chuyên đề “rau an toàn” giúp người dân hiểu thêm về trồng rau an toàn ở Bình Thuận cũng như tâm tư những hộ trồng rau sạch…

                
Mô hình rau an toàn tại thị trấn Đức Tài.

Đức Tài, huyện Đức Linh là thị trấn thuần nông nghiệp, với các loại cây chủ lực gồm cao su, lúa, bắp, điều, tiêu và rau màu. Đối với diện tích trồng rau khoảng trên 15 ha, tập trung ở các khu phố 4, 5, 6. Lâu nay, đây là vùng chuyên canh, cung cấp nhiều chủng loại rau ăn lá, rau ăn quả phục vụ trên địa bàn và các vùng lân cận. Vừa qua, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận (KNKN) phối hợp Trạm Khuyến nông Đức Linh, Hội nông dân và chính quyền địa phương triển khai thực hiện chương trình rau an toàn, với mô hình rau ăn lá + rau ăn quả tại khu phố 5 với tổng diện tích 2,6 ha/33 hộ. Các hộ đăng ký tham gia mô hình được hỗ trợ 100% kinh phí giống và 30% vật tư phân bón; được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật; cấp sổ ghi nhật ký.

Theo Trung tâm KNKN, để mô hình đạt hiệu quả, đơn vị phối hợp Chi cục BVTV, UBND thị trấn Đức Tài tổ chức 2 lớp tập huấn cho các hộ tham gia. Mục đích, truyền tải những kiến thức cơ bản về sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP cho nông hộ. Thông qua công  tác tập huấn tuyên truyền về việc sử dụng các loại thuốc BVTV phun cho rau, phần lớn các hộ đều sử dụng thuốc có trong danh mục, tuân thủ thời gian cách ly, liều lượng sử dụng theo khuyến cáo trên bao bì. Trong đó, trên rau ăn lá, từ lúc gieo cho đến thu hoạch (38 ngày) hộ phun thuốc ngừa sâu, bệnh 2 lần/vụ, so trước đây phun 3 - 4 lần/vụ.Trên rau ăn quả, từ lúc gieo đến thu hoạch (40 - 42 ngày) hộ phun thuốc ngừa sâu, bệnh 3 lần/vụ, so trước đây phun 4 -5 lần/vụ. Bên cạnh hộ dùng phân phức hợp hữu cơ vi sinh bón lót giai đoạn  đầu đã hạn chế sâu, bệnh hại và phun thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 1-2 lần/vụ sản xuất. Tuy nhiên, việc ghi chép sổ nhật ký ở các hộ thực hiện bước đầu còn ngại, chưa quen ghi chép, ít chú tâm.

Sau một thời gian triển khai, để đánh giá việc áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn ở các hộ, Trung tâm KNKN tiến hành lấy mẫu rau ngẫu nhiên khi các hộ đang thu hoạch để phân tích. Các loại rau như cải bẹ xanh, cải ngọt, mồng tơi, khổ qua của các hộ Phạm Văn Đông, Nguyễn Nông, Trần Ngọc Thanh…Kết quả phân tích, các mẫu rau không phát hiện dư lượng kim loại nặng, các vi sinh vật E.coli, Salmonella, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này cho thấy, trong canh tác các hộ trồng rau đã sử dụng nguồn nước sạch tưới cho rau, sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn tuân thủ thời gian cách ly nhằm tạo ra sản phẩm sạch.

Mô hình rau ăn lá, ăn quả an toàn lần đầu triển khai tại địa phương, đã khuyến khích nhiều hộ đăng ký tham gia sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, tăng hệ số sử dụng đất. Qua đó, tác động đến nhận thức của một số nông hộ biết tiếp cận việc ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng.

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình rau an toàn ở Đức Tài