Theo dõi trên

Nâng cao chất lượng dân số ở Hàm Thuận Nam

04/11/2021, 09:29

BT- Nhận thức và hành động của toàn xã hội về công tác dân số đã được nâng lên rõ rệt, chất lượng dân số được cải thiện là những kết quả tích cực mà Hàm Thuận Nam đạt được sau 5 năm thực hiện Kết luận số 119 KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS KHHGĐ)…

Tập huấn cho các cộng tác viên về chính sách dân số (ảnh tư liệu).

Dừng lại để nuôi dạy con tốt

“Muốn phát triển kinh tế, thoát nghèo, con cái được chăm sóc tốt thì không được sinh nhiều con”, anh Nguyễn Văn Loãn một nông dân ở xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) đã tâm sự như vậy. Gia đình ông là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khi dừng lại ở 2 cô con gái. Nhờ thế có cuộc sống ấm no, mới ngoài 40 tuổi nhưng anh đã có khối tài sản để lại cho con là những vườn thanh long, vườn điều.

Chị Thị Hoài – cán bộ phụ trách dân số xã Hàm Cần cho biết: Nếu như 5 - 10 năm trước, tình trạng sinh con thứ 3 phổ biến ở những gia đình sinh con một bề do tâm lý của người vợ hoặc chồng. Bên cạnh đó, đời sống của người dân còn khó khăn, mức thu nhập thấp ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), cách sử dụng các biện pháp tránh thai, KHHGĐ. Còn phụ nữ mang thai ít đi thăm khám, sinh con tại nhà khiến đứa trẻ sinh ra nhẹ cân, yếu, nguy cơ tử vong cao… Nhưng những năm gần đây, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, hiện có 6 cộng tác viên dân số phủ ở 4 thôn, đây chính là “chân rết” bám địa bàn, bám từng hoàn cảnh để nhỏ to tâm sự. Nhờ vậy năm 2020 chỉ còn 16 trẻ là con thứ 3 trong 72 trẻ được sinh ra. Con số này giảm 1/3 so với 5 năm trước.

 Tiếp tục phát huy vai trò truyền thông

Làm phép so sánh năm 2016 và thời điểm cuối năm 2020 có thể thấy nhiều chỉ tiêu dân số của huyện Hàm Thuận Nam đề ra đều giảm. Cụ thể như tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 0,99% giảm xuống còn 0,8%, tỷ suất sinh từ 14,15%o xuống còn 12,57%o, tỷ số giới tính khi sinh 109,2 bé trai/100 bé gái, trong khi chỉ tiêu giao dưới 113 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại cũng tăng lên.

Theo bà Mai Thị Ngọc Ảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam: Đạt kết quả trên là nhờ nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác DS-KHHGĐ đã có sự chuyển biến tích cực. Từ việc xem công tác DS-KHHGĐ chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng gia đình thì nay xác định công tác này liên quan đến toàn bộ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, có quan hệ mật thiết đến việc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh và tiến bộ của từng cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội. Từ đó tập trung vào nội dung và hình thức tuyên truyền, như bằng băng rôn, panô, loa truyền thanh của huyện, xã, thị trấn và qua đội ngũ 201 cộng tác viên cơ sở. Song song đó, huyện cũng khuyến khích phát triển mô hình truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đó là câu lạc bộ dân số và phát triển, câu lạc bộ tiền hôn nhân và mô hình thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Một lợi thế nữa là hiện nay, mạng lưới DS-KHHGĐ đang được triển khai từ bệnh viện tuyến tỉnh đến Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực tại các xã, thị trấn. Hàng năm cung cấp đầy đủ các dịch vụ KHHGĐ như phân phối phương tiện tránh thai miễn phí cho người nghèo, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập, đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng.

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu công tác DS-KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Khi ý thức chấp hành pháp luật của một số thanh thiếu niên còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn mang nặng tư tưởng phải sinh có con trai, hoặc phải có con gái, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra và đến năm 2020 tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn 15,74%.

Từ thực tế trên, Hàm Thuận Nam đề ra giải pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về DS-SKSS với nhiều hình thức phù hợp với tình hình, trình độ, nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở phù hợp với sự chuyển hướng chính sách từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng tự nguyện, chủ động tham gia công tác dân số. Duy trì và nhân rộng các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai…

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Giúp người hoàn lương làm lại cuộc đời
Một trong những nguyện vọng lớn nhất của người mãn hạn tù là có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống. Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một trong những chính sách nhân văn, giúp họ làm lại cuộc đời.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng dân số ở Hàm Thuận Nam