Theo dõi trên

Phải sống chung với dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội

12/10/2021, 07:44 - Lượt đọc: 78

 BT- Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII vừa diễn ra từ ngày 4 - 7/10/2021. Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Dự báo trong năm 2022, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối, do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng chống dịch như "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh.

 Tăng trưởng kinh tế đạt thấp

Tại hội nghị, Tổng Bí thư cho biết, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Trong 9 tháng của năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,82% so với cùng kỳ... Tuy nhiên, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng của năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tổng Bí thư còn dự báo không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021. Bởi vì bên cạnh tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất. Hạn chế, bất cập trong cả dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, những tháng còn lại của năm 2021 cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao. Phấn đấu kiểm soát về cơ bản dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng chống dịch trong tình hình mới, cần phải cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, như thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch... Việc sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu Covid-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

 Sống chung với dịch bệnh

Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 vào cuối năm 2019 đến nay, đã khiến nền kinh tế của đất nước bị sụt giảm đáng kể. Chính vì thế cuộc chiến chống Covid-19 đang bước sang giai đoạn mới, thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch vi rút” đặt ra trước đây thì nay phải chấp nhận “sống chung” an toàn với dịch bệnh. Người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong vì Covid-19. Với chiến dịch  tiêm chủng được đẩy mạnh, các tỉnh, thành phố trong cả nước đang từng bước tìm hướng nới lỏng các biện pháp  chống dịch phù hợp, để phát triển kinh tế và nối lại hoạt động của ngành du lịch. Tiếp theo đó sẽ mở cửa trở lại các trường học cũng là một trong những nỗ lực mà các cấp, ngành, địa phương đang dần triển khai trong bối cảnh xác định sống chung với đại dịch. Có thể thấy, “sống chung an toàn” với đại dịch đã không còn là phương châm của riêng tỉnh, thành phố nào trong lúc này. Sự thay đổi này không phải là đầu hàng mà là một bước chuyển mình, hướng đến việc chủ động kiểm soát để chiến thắng Covid-19. Nhưng dù tình hình dịch có diễn biến như thế nào thì Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng cũng không thể “giãn cách xã hội” mãi được mà đã đến lúc phải dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp đó để hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường. Có một số ý kiến cho rằng những nơi có dịch lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… việc mở cửa phụ thuộc vào tỷ lệ chích ngừa. Hiện tại ở TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ chích ngừa mũi 1 khá cao nên đầu tháng 10/2021 đã mở cửa lại, không có cách nào khác. Về phần người dân, một khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ hay nới lỏng, mọi người dĩ nhiên phải tiếp tục tuân thủ thực hiện biện pháp 5K. Điều quan trọng là phải biết đề phòng cho những người có nguy cơ cao. Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị đặc biệt nhấn mạnh từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng chống dịch, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp. Các phương án, kịch bản này sẽ được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể. Từ phát biểu của Tổng Bí thư, chúng ta có thể nhận thấy rằng, trở về trạng thái bình thường mới là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng thích ứng của mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của đất nước trong bối cảnh mới, nhất là bối cảnh đại dịch Covid -19. Trạng thái này đòi hỏi mọi cá nhân, cộng đồng, tổ chức và toàn xã hội, phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải sống chung với dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội