Cần đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch sau đại dịch Covid - 19

Chính trị - Ngày đăng : 08:23, 11/08/2022

BTO-Chiều 10/8, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục diễn ra, do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL). Tại điểm cầu Bình Thuận, tham dự có ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Bố Thị Xuân Linh và lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan.

Đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, ông Nguyễn Hữu Thông- Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh nêu: Trong đại dịch Covid-19, tình hình dịch chuyển lao động ở ngành du lịch rất lớn. Để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bộ có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại lao động như thế nào?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận sau dịch bệnh, nhân lực du lịch có sự dịch chuyển. Nếu công nhân ở trong đơn vị sản xuất sẽ có các giải pháp phòng chống dịch bệnh, có thể sản xuất, có lương, nhưng ngành du lịch đóng cửa hoàn toàn không thể hoạt động. Vì vậy, nhiều lao động chuyển sang ngành khác nên khi du lịch phục hồi thì nhân lực thiếu hụt.

Về giải pháp, trước mắt các đơn vị sẽ tập trung đào tạo, công ty lữ hành lớn đang khắc phục bằng cách tuyển chọn sinh viên các trường du lịch, đưa về trực tiếp hướng dẫn, thực hành để bù đắp thiếu hụt. Căn cơ hơn, cần nâng cao chất lượng đào tạo ngành du lịch, nhất là nhân lực cấp cao, quản trị du lịch, lao động ngành nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo; chú ý liên kết đào tạo.

img_9971.1111.jpg

Tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng đã trả lời chất vấn nhiều nhóm vấn đề được các đại biểu quan tâm, như về việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch. Ngoài ra có công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia. Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm về vấn đề quản lý văn hóa, quán triệt tinh thần du lịch phải thành ngành kinh tế mũi nhọn, các biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường, đào tạo và đào tạo lại lao động ngành du lịch còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

van-hoa-posainu.jpg
Du khách tham quan  tháp Pô Sah Inư (ảnh minh họa)

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá phiên chất vấn thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung chương trình dự kiến và đạt được các yêu cầu đề ra.

Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực được chọn chất vấn tại phiên họp là đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được ĐBQH và cử tri, dư luận xã hội quan tâm.
Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy tinh thần sát thực tế, rất thiết thực, tâm huyết, thẳng thắn và tinh thần trách nhiệm cao đối với cả người hỏi và người chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị ĐBQH đánh giá cao phần trả lời chất vấn, đồng thời ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ Công an, Bộ VHTTDL cũng như ý kiến của thành viên Chính phủ liên quan…

Thùy Linh