Phát triển bền vững kinh tế biển - Nhìn từ Bình Thuận. Bài 4
Kinh tế - Ngày đăng : 05:29, 12/08/2022
Dù là ngư trường có trọng điểm đến đâu, có vùng nước trồi đặc biệt như Tạp chí Hải Dương Học của Nhật Bản nhấn mạnh là 1 trong 2 vùng nước trồi tốt nhất Đông Nam Á thì biển Bình Thuận cũng không thể cân bằng kịp trữ lượng so với tốc độ khai thác quá nhiều mỗi ngày.
Biển “chịu đựng”
Tại Hội thảo quốc tế “Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm” tổ chức vào giữa tháng 7/2022 tại TP.HCM, khi các chuyên gia, diễn giả phân tích thực tế đường ranh giới trên biển giữa Việt Nam và một số nước chưa có, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu dựa vào bản đồ mà Hội Nghề cá Việt Nam ban hành vốn không có tính pháp lý thì thêm khẳng định công tác dân vận trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định có hiệu quả tại tỉnh. Vì trong 4 năm qua, số vụ tàu của ngư dân Bình Thuận bị nước ngoài bắt giữ đã ít dần nhưng lại chưa dứt điểm. Số chưa dứt điểm ấy rơi vào các tàu thường xuyên hoạt động lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh, trong khi công tác trao đổi, phối hợp, xử lý thông tin nhóm tàu này của Bình Thuận với các tỉnh liên quan chưa tốt. Qua đó cho thấy ngư dân tại tỉnh đã tuân thủ, có đến hơn 98% tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chịu nghe khuyến nghị của cơ quan chức năng. Với cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu chưa biết lúc nào được gỡ thì câu chuyện sắp xếp lại nghề cá Bình Thuận theo hướng giảm tàu, chuyển đổi nghề gây hại nguồn lợi biển, quản lý sản lượng khai thác, cấp hạn ngạch khai thác… theo Luật Thủy sản 2017 để tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái ven biển, hải đảo gắn với sinh kế của cộng đồng ngư dân đã trở nên cấp thiết.
Mấy năm qua, việc thành lập 2 khu bảo tồn biển ở Cù Lao Câu (Tuy Phong), ở đảo Phú Quý, cũng như các hội cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, cùng với tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động đánh bắt cạn kiệt đã góp phần giúp biển Bình Thuận dần hồi sinh. Tuy nhiên, với lượng tàu đánh bắt tại tỉnh hơn 7.500 chiếc có chiều dài từ 6 m trở lên, cộng thêm 2.000 – 3.000 tàu cá từ các tỉnh khác đến ngư trường Bình Thuận hoạt động khai thác thường xuyên nên tính chung có khoảng 10.000 chiếc tàu khai thác vùng biển Bình Thuận. Dù là ngư trường có trọng điểm đến đâu, có vùng nước trồi đặc biệt như Tạp chí Hải Dương Học của Nhật Bản nhấn mạnh là 1 trong 2 vùng nước trồi tốt nhất Đông Nam Á thì biển Bình Thuận cũng không thể cân bằng kịp trữ lượng so với tốc độ khai thác quá nhiều mỗi ngày, nhất là đâu đó vẫn còn sử dụng phương pháp đánh bắt hủy diệt như thuốc nổ, chất độc syanua, kích thước mắt lưới quá nhỏ, lưới kéo công suất lớn hoạt động trong vùng cấm, bãi đẻ ở gần bờ…
Chưa hết, môi trường biển cũng đang cảnh báo bị ô nhiễm với rác thải nhựa và theo quy luật vận hành tự nhiên của vùng nước trồi, vùng biển Bình Thuận trở thành nơi tập trung rác các nơi trên đại dương theo về. Điều này không chỉ gây bất lợi đến hoạt động du lịch cũng như đời sống của cư dân quanh vùng ven bờ mà với biển, khi vào mùa nước trồi, chính nguồn nước nhiễm bẩn ấy sẽ kích thích tảo nở hoa cực mạnh lan rộng trên biển, khiến thủy triều đỏ xuất hiện. Lúc này, oxy trong nước biển ít đi, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của các loài cá, kéo theo những thiệt hại khác trong phát triển nghề cá. Vì vậy, năm 2020, Bình Thuận đã ban hành kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với những mục tiêu giảm thiểu rác thải cụ thể để khắc chế tình trạng trên và cũng là cho các ngành nghề liên quan đến biển sẽ phát triển.
Để dân thông
Trước kế hoạch hành động trên 2 năm, UBND tỉnh cũng đã Ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển trên địa bàn tỉnh; trong đó quy định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cộng đồng dân cư. Còn hiện nay, Hội Phụ nữ tỉnh đang thực hiện dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong và thành phố Phan Thiết” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc viện trợ. Nhờ vậy, hiện tại trong dân miền biển, nhất là dân gần các vùng du lịch đã có sự chuyển biến trong nhận thức lẫn hành động về ứng xử với rác theo hướng văn minh và có lợi, với ước muốn góp phần cho du lịch xanh, sạch, đẹp.
Đây là tín hiệu tốt như một định hướng trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là khuyến khích, hỗ trợ người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn chủ yếu đặt ra trong nghị quyết này thì có quá nửa cần sự đóng góp, ủng hộ của người dân. Như trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Như ở nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan nhà nước trong phát triển du lịch; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Hay trong quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận. Rồi trong cả nhóm giải pháp hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, vì ở đó có nhiều sản phẩm như du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch cộng đồng… mà người dân đóng vai trò trung tâm.
Chuyện huy động người dân tham gia làm du lịch không khó như việc sắp xếp lại nghề cá, vốn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của ngư dân mà còn có thể gây ra mâu thuẫn trong phát triển các ngành, nhất là điện gió ngoài khơi. Hơn thế, đây còn là một cuộc đổi thay mang tính sống còn của 1 ngành kinh tế trụ cột quan trọng là nông nghiệp. Vì vậy, trước đó, sau đại hội không lâu, vào tháng 9/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Trong nhiều giải pháp đặt ra để đạt mục tiêu như tên gọi của nghị quyết, có giải pháp cơ cấu lại sản xuất trên các lĩnh vực phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, riêng lĩnh vực thủy sản đã xác định: “Cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác. Phát triển khai thác thủy sản xa bờ hiện đại, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Xây dựng và thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng hải sản trên biển với các loài có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ, tôm sú, cá biển và thủy đặc sản nước ngọt”. Và tháng 1/2022 rồi, UBND tỉnh đã công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng biển ven bờ (3.584 giấy phép) và vùng lộng (1.996 giấy phép) trong thời gian 12 tháng. Hạn ngạch trên sẽ được tiếp tục điều chỉnh tăng hoặc giảm giữa các nghề khai thác, giữa các địa phương trong tỉnh sau khi dự án “Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Bình Thuận” hoàn thành.
Sự đổi thay đã bắt đầu. Không cho đóng thêm tàu thuyền nào nữa. Những ngư dân hoạt động tốt với tàu to, hiện đại, góp phần đánh bắt thủy sản bền vững, bảo vệ chủ quyền quốc gia tiếp tục ra khơi. Những ngư dân có thuyền nhỏ, máy nhỏ có thể chuyển sang nuôi trồng… Ở diễn biến khác, hàng loạt dự án, các khu công nghiệp ven biển của tỉnh đang chuẩn bị mở ra, sau sự chựng lại do dịch Covid- 19 cũng là cơ hội cho các ngư dân muốn lên “bờ”. Trong bối cảnh này, ai quan tâm sẽ nhận ra, nếu tỉnh xới lên sớm 1 cơ chế hỗ trợ trong đào tạo nghề cho ngư dân kịp lúc, cũng như khuyến khích các chủ đầu tư dự án ưu tiên sắp xếp việc làm phù hợp, giúp ngư dân đồng thuận “lên bờ” thì sẽ giải quyết được “nút thắt” trong hàng loạt chính sách bài bản đã ban hành, tạo sự bứt phá trong phát triển bền vững kinh tế biển. Và “chìa khóa” của vấn đề ở chỗ là phải dân vận có chất lượng để người dân thông suốt, thấy được lợi ích của mình trong các chương trình phát triển kinh tế ấy.
Theo Ban Chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển Bình Thuận, trong khi quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đáp ứng nhu cầu sử dụng tài nguyên biển nên trước mắt, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thống nhất đề nghị Chính phủ cho thực hiện trước đối với vùng biển từ đường cơ sở trở vào (vùng nước nội thủy) hoặc ưu tiên thực hiện trước những vùng biển có nhu cầu sử dụng cao cho đầu tư phát triển như vùng biển Bình Thuận. Theo đó, tỉnh sẽ phân bổ hài hòa giữa các hoạt động phát triển kinh tế gồm điện gió, du lịch, hàng hải, khai thác nuôi trồng thủy sản với bảo tồn da dạng sinh học.