Cán bộ gần dân - điều cốt yếu để chăm lo đời sống nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 14:03, 11/08/2022

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, việc xây dựng, phát huy “lòng dân” luôn được ông cha ta đặt lên vị trí hàng đầu, như: “khoan thư sức dân”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”... đó là cơ sở, tiền đề tạo “rễ sâu, gốc bền” để đất nước, dân tộc trường tồn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Luận theo lời Bác dạy và bàn, nhắc đến tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Tinh thần trách nhiệm không chỉ thể hiện trong nghị quyết, bằng lời hứa mà trong việc làm rất cụ thể, thiết thực, hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, công việc, của mọi người. Vì nói cho cùng, tinh thần trách nhiệm không chỉ là bổn phận mỗi cán bộ, đảng viên đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên mà còn là trách nhiệm trước nhân dân, trước tập thể và với cả chính mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức làm người, đạo đức công dân, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sự nghiệp của dân, của nước. Đó là đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên thực thụ.

Ấy vậy nhưng một số cán bộ dường như quên đi điều này khi thực thi công vụ. Thậm chí, có người còn tự cho mình cái quyền “ban phát”, đứng trên nhân dân, lợi dụng vị trí công tác để vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân hay “nhiễm” căn bệnh thờ ơ, vô cảm với mong muốn chính đáng của nhân dân. Tình trạng “lệch chuẩn” đạo đức công vụ từ hành vi đến lời nói, cử chỉ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc và làm giảm niềm tin của nhân dân.

Đại hội lần thứ XIV tỉnh Bình Thuận xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân...”. Thật vậy, cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ được đào tạo cả chuyên môn, lý luận chính trị, đủ tâm, tầm, sâu sát với cơ sở để lắng nghe từ nhân dân, từ cơ sở.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận, từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đã có lịch tiếp công dân, tăng cường hoạt động đối thoại, tiếp xúc với người dân định kỳ, cả đột xuất. Thông qua tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc trong nhân dân đã được giải quyết “thấu lý, đạt tình”, góp phần ổn định tình hình, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Có thể khẳng định, việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở thời gian qua góp phần phát huy dân chủ, giúp nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Thực tiễn cho thấy, nơi nào thực hiện tốt quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ở đó tạo được cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và nhân dân, giúp hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá được chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, cái được, cái chưa được để có thể phát huy hoặc điều chỉnh kịp thời.

Sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành các văn bản kết luận, chỉ đạo và giải quyết kịp thời những ý kiến mà nhân dân phản ánh, kiến nghị. Đây chính là điều kiện căn bản hạn chế phát sinh những vụ việc phức tạp, không để hình thành “điểm nóng”, giảm đáng kể đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, giúp cho các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu nắm bắt, nhìn nhận rõ những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong thực thi công vụ. Từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của nhân dân ngay từ cơ sở, cần phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi người dân trong công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tiếp xúc, đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, xây dựng, trách nhiệm, nghiêm túc tiếp thu và giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm.

Với quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhằm triển khai các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) và ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vấn đề tiếp xúc, lắng nghe và đối thoại của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã và đang là câu chuyện minh chứng cho việc tỉnh nhà từng bước đưa Nghị quyết Đảng bộ tỉnh dần đi vào cuộc sống.

Cán bộ gần dân để đối thoại, để hiểu dân, bởi điều cốt yếu là chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng nước nhà, quê hương ngày càng giàu mạnh, tạo sự đồng thuận trên dưới, đó mới chính là sức mạnh có ý nghĩa nền tảng.

DỤNG VĂN DUY