Hàm Thuận Nam: Động viên, hướng dẫn hộ nghèo chủ động vươn lên
Xã hội - Ngày đăng : 05:16, 16/08/2022
Trong đó huyện tập trung giải quyết kịp thời các nguồn vốn cho vay, bảo đảm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi; vay chương trình học sinh, sinh viên qua đó góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen. Tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành nghề thông qua tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản các sản phẩm. Phát huy hiệu quả các dự án đã được đầu tư từ những năm trước như dự án nuôi bò sinh sản, trồng điều cao sản tại xã Mỹ Thạnh.
Với những trường hợp thiếu kiến thức và việc làm, các phòng ban, trung tâm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo số lao động có việc làm chiếm từ 80% trở lên sau khi tốt nghiệp khóa học nghề. Tăng cường hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động. Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong công tác giảm nghèo, vận động người nghèo phát huy ý chí tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã chủ động phối hợp với Mặt trận, đoàn thể các cấp nỗ lực thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, kịp thời trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa, hỗ trợ sinh kế, giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất.
Trong 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, Hàm Cần là địa phương còn số hộ nghèo cao, với 256 hộ/4.800 khẩu. Theo chỉ tiêu, năm nay xã phải hỗ trợ cho 20 hộ thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Sông - Chủ tịch UBND xã Hàm Cần cho biết: Xã đã “thoát” khu vực 1, không nhận được các chế độ chính sách ưu tiên của Nhà nước, vì thế Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững xã đã tăng cường tuyên truyền để nhân dân nắm bắt chủ trương của Nhà nước, cũng như phát huy sự đoàn kết, tự lực của các hộ. Trong đó xác định nguyên nhân để chia hộ nghèo thành các nhóm khác nhau, như nhóm cần hỗ trợ vốn, nhóm thiếu việc làm, nhóm "nghèo bền vững" (già, bệnh tật), nhóm thiếu nhà ở… Nhờ vậy nắm rõ hộ có khả năng thoát nghèo trong năm nay để kịp thời ưu tiên giúp đỡ.
Xã đã hướng dẫn, tạo điều kiện để các hộ vay vốn ngân hàng; giới thiệu việc làm cho hơn 100 lao động thuộc nhóm nghèo, cận nghèo làm việc tại Khu công nghiệp Hàm Kiệm, Phan Thiết, doanh nghiệp nhỏ ở Mương Mán, Hàm Cần. Sắp tới sẽ mở tiếp 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên, nông dân; nhận sự quan tâm của các đơn vị xây mới 2 căn nhà tạo điều kiện cho hộ nghèo an cư.
Với những cố gắng, nỗ lực, phấn đấu thực hiện của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, kỳ vọng công tác giảm nghèo của huyện Hàm Thuận Nam sẽ thực sự đi vào chiều sâu. Từng bước thu dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.