Chuyển biến toàn diện từ nghị quyết của Đảng. Bài 1

Chính trị - Ngày đăng : 05:18, 16/08/2022

Bài 1: Nghị quyết của ý Đảng, lòng dân

Cách đây tròn 18 năm, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 39 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, nghị quyết được các ngành, địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và ngày càng đi vào cuộc sống, chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên…

Đổi thay từ miền núi

Về Tánh Linh vào những ngày này, chúng tôi có dịp được nghe kể nhiều về sự “thay da đổi thịt” nơi điểm cuối vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thuần (70 tuổi, ở xã Đức Phú, huyện Tánh Linh) không khỏi vui mừng, tự hào vì những đổi thay trên quê hương. Bao nhiêu năm gắn bó với mảnh đất này, ông đã chứng kiến rõ sự chuyển mình của một vùng đất nghèo ngày nào nay trở nên trù phú, năng động. Theo lời ông, chính những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng nên Đức Phú đang khoác lên mình một diện mạo mới, khang trang hơn, tươi đẹp hơn.

dsc03607.jpg

Ông Thuần kể, bây giờ đại bộ phận nhân dân đã có của ăn của để, rất nhiều hộ trong xã xây nhà lầu, mua được xe hơi, điều mà lúc trước không ai dám nghĩ đến. Trước đây, gia đình ông Thuần cũng thuộc diện khó khăn, ở trong căn nhà tôn mà thực chất là cái chòi tạm bợ, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Nay, gia đình ông cũng xây được căn nhà cấp 4 kiên cố, trong nhà có ti vi, tủ lạnh, xe máy, vật dụng đắt tiền, hiện đại. Các con của vợ chồng ông đều học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Ông Thuần khẳng định, nếu không có những hỗ trợ vốn vay, định hướng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi để phát triển kinh tế của địa phương thì gia đình ông chắc chắn sẽ không có được ngày hôm nay. Đáp lại thành quả có được như một lời cảm ơn, gia đình ông Thuần luôn sẵn sàng góp công sức, tiền bạc, tích cực vận động bà con cùng tham gia các phong trào, cuộc vận động, đóng góp vào các quỹ phúc lợi vì sự phát triển của quê hương.

Huyện ủy Tánh Linh cho biết, qua gần 20 năm thực hiện cho thấy, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã tạo sức bật đưa kinh tế - xã hội huyện phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2004 trở về trước, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, năng suất thấp; hệ thống giao thông chủ yếu là đường đất chiếm 80%; chỉ khoảng 20% trường học được xây gạch, lợp ngói. Đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 36%… Đến năm 2021, quy mô nền kinh tế tăng gấp 3,7 lần so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người từ 9,5 triệu đồng/năm tăng lên 46,7 triệu đồng/năm (tăng 4,9 lần). 35/ 64 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 3,03%; cơ cấu kinh tế, công cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Đến nay, 100% đường liên huyện, liên xã và trục xã, hơn 70% đường trục thôn, hơn 78% đường ngõ, xóm và hơn 69% đường giao thông nội đồng đã được cứng hóa bằng nhựa, bê tông, sỏi cuội, đảm bảo đi lại và vận chuyển nông sản của nhân dân.

dsc03013.jpg
Nghị quyết của Đảng làm đổi thay diện mạo huyện miền núi Tánh Linh và huyện đảo Phú Quý

… Đến hải đảo

Trong hành trình tìm hiểu Nghị quyết 39, các địa phương trong tỉnh đều khẳng định: Đây thực sự là nghị quyết của ý Đảng, lòng dân. Với huyện đảo Phú Quý, Nghị quyết 39 như một làn gió mới, xung lực mới để huyện phát triển toàn diện. Ông Lê Quang Vinh – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết, nổi bật sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39, đó là nền kinh tế của huyện đảo duy trì phát triển ổn định và theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế nội huyện tăng bình quân hàng năm trên 10%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 700 USD năm 2005 đến năm 2021 đạt 2.227 USD (tăng hơn 1.500 USD).

Bên cạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Trong đó, kinh tế biển được xác định là ngành mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện trong gần 20 năm qua và được tập trung đầu tư phát triển cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, sản xuất chế biến và nuôi trồng. Sản lượng hải sản khai thác bình quân 5 năm gần đây đạt trên 30.000 tấn; tăng hơn 40%/ năm so với năm 2005. Hệ thống điện được đầu tư đồng bộ, hiện đại, phủ rộng toàn huyện, phát điện xuyên suốt 24/24 giờ, giá điện bằng với mức giá chung của cả nước so với thời điểm năm 2005 chỉ phát 16/24 giờ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Ngành du lịch huyện cũng có nhiều khởi sắc, phát triển vượt bậc so với thời điểm năm 2005. Hiện nay, trong định hướng phát triển du lịch biển, đảo, Phú Quý được công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh. Dịch vụ giao thông vận tải biển cũng phát triển mạnh; tuyến Phan Thiết - Phú Quý hiện có 4 tàu trung, cao tốc hoạt động chuyên vận tải hành khách, thời gian đi lại rút ngắn từ trung bình 6 giờ còn hơn 2 giờ; có 5 tàu chuyên vận tải hàng hóa với tải trọng lớn.

Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư hoàn thiện, bao gồm: kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tàu cá Phú Quý, cảng biển, đê chắn sóng Cảng Phú Quý. Huyện đang tập trung xây dựng theo hướng đô thị xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững, gắn với việc thực hiện các tiêu chí đô thị loại IV. Bộ mặt huyện nhà thay đổi rõ nét so với năm 2005, hiện nay huyện đã thực hiện đạt 3,5/5 tiêu chí của đô thị loại IV. Hạ tầng bưu chính viễn thông phát triển toàn diện, các nhà mạng đều cung cấp mạng 4G; 100% dân số đã tiếp cận được với internet, hệ thống wifi toàn dân được phủ rộng khắp trong các khu dân cư. Năm 2016, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống trường học, cơ sở y tế được đầu tư, xây dựng theo lộ trình đạt chuẩn quốc gia.

LÊ PHÚC