Khu Lê “bừng sáng”
Xã hội - Ngày đăng : 05:47, 16/08/2022
Chuyển sang thế mạnh
Ít nhất đã 2 năm nay, dân Hồng Phong, Hòa Thắng, vốn được xem là trung tâm của khu Lê (Bắc Bình) đã không mong mưa như trước nữa. Vì số hộ dân làm nông đã ít đi hoặc không muốn làm do ít hiệu quả, nhất là sau các cuộc chuyển đổi nghề do nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đã vào vùng đất có tiếng nắng, gió khắc nghiệt này. Đặc trưng nắng, gió ấy từng là thế yếu của vùng đất khu Lê đối với nông nghiệp truyền thống nhưng bây giờ, đối với công nghiệp điện năng lượng tái tạo thì lại là thế mạnh. Thực tế, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chính các dự án năng lượng đã tạo sự đổi thay khiến bao người già nơi đây phải dùng từ “không ngờ”. Được tiền đền bù từ đất, nhiều hộ dân đã đổi đời đúng nghĩa nên cũng không bám vào nghề nông “một nắng hai sương” mà chuyển sang làm dịch vụ, “ăn theo” ngành công nghiệp đang lên ngôi ở đây. Tất cả đã góp phần tăng thu ngân sách cho xã rất cao. Như ở Hòa Thắng, 6 tháng qua thu ngân sách của xã đạt tới 84.941 triệu đồng/11.000 triệu đồng kế hoạch, đạt 772,2% dự toán; tăng so cùng kỳ năm 2021 đến 547,9%.
Điều đáng chú ý, lớp trẻ khu Lê đã vào các nhà máy, cơ sở làm việc nên tác phong, lối sống cũng khác trước, dẫn đến nhận thức cũng thay đổi theo. Rõ nhất là họ rất tự tin, tìm tòi xây dựng căn nhà của gia đình với nhiều kiểu cách kiến trúc mới lạ, đẹp, có phong cách. Vì thế, ở vùng cát khó khăn này đang toát lên nét nhộn nhịp, sầm uất và hiện đại. Một khu Lê lạ lẫm, mang dáng dấp công nghiệp hóa, thể hiện qua những cánh đồng điện mặt trời mênh mông, những cánh quạt gió khổng lồ cao lồng lộng hoặc ẩn hiện sau những cồn cát trắng đặc trưng...
Hội tụ 3 trụ cột kinh tế
Với những dự án điện mặt trời, điện gió đã hoạt động và đang triển khai cũng như sẽ xuất hiện trong thời gian sắp tới, có thể nói khu Lê đã góp phần quyết định cho huyện Bắc Bình phát triển năng lượng tái tạo với đầy đủ loại hình. Bên cạnh có thêm 2 Nhà máy thủy điện gồm Đại Ninh, Bắc Bình đã đưa tổng sản lượng điện thương phẩm của huyện trong 7 tháng năm nay lên hơn 700 triệu kWh. Vì vậy, vào năm 2025, dự ước Bắc Bình sẽ đạt 2.600 triệu kWh với điện mặt trời 1.000 triệu kWh, thủy điện 1.400 triệu kWh và điện gió 200 triệu kWh. Sang năm 2030, sản lượng điện thương phẩm ở huyện lên 2.900 triệu kWh, trong đó điện mặt trời 1.200 triệu kWh, thủy điện 1.400 triệu kWh và điện gió 300 triệu kWh. Từ con số ước tính trên, hiện giờ Bắc Bình đã có định hướng quy hoạch sử dụng đất năng lượng đến năm 2030, với diện tích 5.881 ha, tập trung vào vùng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả như dải đất cát động bạc màu 2 xã Hồng Phong, Hòa Thắng lên hơn 3.500 ha, diện tích còn lại thuộc các xã khác như Sông Bình, Bình Tân, Phan Lâm, Sông Lũy…
Thông tin từ UBND huyện Bắc Bình, trong 2 năm 2021, 2022, nhờ các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn đã góp phần quyết định thu ngân sách huyện đạt kế hoạch năm vào giữa năm. Hiện có 29 dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn đang được trình Bộ Công Thương thẩm định. Chủ trương của huyện là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt biển, mặt hồ để nghiên cứu, đề xuất, phát triển công nghiệp sản xuất điện trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực, tạo động lực tăng trưởng kinh tế địa phương.
Trong khi đó, trên lĩnh vực du lịch, Bắc Bình đã thu hút 32 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và cũng chính khu Lê, nổi bật tại xã Hòa Thắng là nơi tập trung nhiều dự án du lịch nhất. Với vị trí, địa thế này, sau khi gỡ các vướng mắc trong quy hoạch phân khu, nhà đầu tư xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ sẽ kết nối với Khu du lịch quốc gia Mũi Né, khai thác các điểm du lịch như Bến du thuyền Bãi Chùa - Hòn Nghề; Khu du lịch thể thao mạo hiểm Đồi cát Trinh Nữ, hồ Bàu Trắng, Mũi Yến… tạo nét hấp dẫn riêng biệt mà không nơi nào có được.
Còn 1 trụ cột kinh tế khác là nông nghiệp công nghệ cao, cũng chính vùng cát Hòa Thắng là nơi chiếm diện tích lớn trong 2.155 ha quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 2059 của UBND tỉnh vào năm 2018. Cùng với diện tích thuộc các xã Bình Tân, Sông Lũy, thị trấn Lương Sơn cùng quy hoạch của huyện tại các xã Bình An, Phan Sơn, Phan Lâm, vùng nông nghiệp này đã thu hút được 32 dự án do UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện có 22 dự án đi vào hoạt động theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương…
Vì thế như nhiều cựu chiến binh nhận xét, khu Lê không chỉ đặc biệt trong chiến tranh mà trong thời bình, khi chủ trương phát triển 3 trụ cột kinh tế của tỉnh triển khai đã khiến vùng kháng chiến cũ này “bừng sáng” không ai ngờ.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Bình có 15 dự án điện mặt trời và điện gió đã đi vào hoạt động và đang triển khai thì riêng 2 xã Hồng Phong, Hòa Thắng đã có 10 dự án. Đó là chưa tính những dự án nằm trong quy hoạch điện VIII chuẩn bị được Chính phủ phê duyệt nằm trên địa bàn 2 xã sẽ triển khai xây dựng trong thời gian tới, góp phần tăng thu ngân sách cho Bắc Bình ngoài sức tưởng tượng.