5 nhà đóng gói thanh long theo dự án QSEAP giờ ra sao?

Kinh tế - Ngày đăng : 05:21, 17/08/2022

Trong giai đoạn 2009 - 2016, tỉnh Bình Thuận là 1 trong 16 tỉnh, thành được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn để thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP). Theo đó, tỉnh có 5 Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh thanh long được dự án chọn để đầu tư, xây dựng 5 nhà đóng gói thanh long trên địa bàn 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc do Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận làm chủ đầu tư.

Hầu hết các nhà đóng gói đi vào hoạt động từ năm 2015 – 2016, nhưng không đủ năng lực, tài chính nên các nhà đóng gói chưa phát huy hết hiệu quả như dự án mong muốn. Do đó, Sở NN và PTNT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi các nhà đóng gói hoạt động không hiệu quả và bàn giao lại cho các HTX có năng lực để quản lý, sử dụng. Điển hình như, nhà đóng gói thanh long tại thôn Nà Bồi - thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc được bàn giao cho Tổ hợp tác Gò Cà 3 với diện tích nhà sơ chế hơn 762 m2. Tuy nhiên, sau 2 năm bàn giao và hoạt động không hiệu quả, đến giữa năm 2018, Tổ hợp tác Gò Cà 3 đã liên kết với HTX thanh long sạch Hòa Lệ để vận hành nhà đóng gói. Năm 2020, HTX này tiếp tục mở rộng thêm diện tích và kho lạnh với quy mô 160 tấn thanh long. Kết quả từ năm 2018 - 2022, HTX đã sản xuất và xuất khẩu 12.554 tấn thanh long sạch, doanh thu đạt 103,8 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho hơn 170 lao động tại địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng đối với lao động nữ; từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng đối với lao động nam.

img_0649.jpg
Nhà đóng gói tại xã Hàm Mỹ đã thu hồi và bàn giao cho HTX Thanh Bình

Tương tự, nhà đóng gói tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam được bàn giao cho HTX Nông nghiệp Mỹ Hưng với diện tích nhà sơ chế 690 m2. Từ khi nhận bàn giao nhà đóng gói, do Hội đồng quản trị HTX có nhiều biến động về nhân sự, năng lực tài chính còn hạn chế nên không thể kêu gọi và liên kết với các doanh nghiệp có năng lực để sử dụng nhà đóng gói. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi và bàn giao cho HTX Thanh Bình vào ngày 8/11/2020. Năm 2020, HTX này đã được dự án VCED hỗ trợ tu sửa và xây thêm kho lạnh để phục vụ sơ chế thanh long, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ năm 2020 đến nay, HTX đã ký hợp đồng sơ chế đóng gói xuất thanh long đi một số thị trường như: Newzeland, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ và các siêu thị trái cây tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; sản lượng xuất khẩu đạt 131 tấn, lợi nhuận đạt 2,02 tỷ đồng.

img_0627.jpg
Thanh long tại HTX Thanh Bình xuất khẩu sang nhiều nước

Hay nhà đóng gói tại xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam được bàn giao cho Tổ hợp tác Minh Thành với diện tích nhà sơ chế 1.516 m2. Từ khi nhận bàn giao đến đầu năm 2017, do năng lực tài chính và khả năng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của Tổ hợp tác Minh Thành rất hạn chế, quy mô sản xuất thanh long của Tổ hợp tác quá nhỏ, khả năng liên kết sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ chưa có nên vẫn chưa hoạt động. Để phát huy hiệu quả của nhà đóng gói, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn giao nhà đóng gói thanh long Hàm Minh cho Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất thanh long Bình Thuận (Liên hiệp) quản lý sử dụng trong thời gian 2 năm. Từ khi tiếp nhận nhà đóng gói đến nay, Liên hiệp đã tu sửa, trang bị thêm các vật dụng, thiết bị, vận hành nhà đóng gói và thu mua thanh long từ các vườn nông dân trong huyện Hàm Thuận Nam và một số HTX. Thanh long được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng ủy thác và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, qua các năm đều có lãi. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang lấy ý kiến Sở Tài chính để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, tiếp tục giao nhà đóng gói cho Liên hiệp tiếp quản và sử dụng.

data-news-2017-8-99878-nhadong.jpg
Nhà đóng gói thanh long tại xã Hàm Minh trước thời điểm giao cho Liên hiệp

Ngoài ra, 2 nhà đóng gói tại xã Hàm Đức, xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) do HTX thanh long an toàn Hàm Đức và HTX thanh long hữu cơ Phú Hội đảm nhận cũng hoạt động cầm chừng. 2 HTX này chủ yếu trực tiếp thu mua thanh long của các xã viên và bà con nông dân vùng lân cận, đưa về nhà đóng gói do dự án QSEAP đầu tư để sơ chế, đóng gói và bảo quản, thực hiện gia công cho các doanh nghiệp. Từ khi được bàn giao nhà đóng gói đến nay, các HTX cố gắng duy trì nhà đóng gói và thu lợi nhuận bình quân 300 triệu đồng/năm.

Để các công trình phát huy được hiệu quả sau đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND 2 huyện tổ chức vận động các doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long theo chuỗi với các HTX được bàn giao nhà đóng gói để thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX và trong vùng lân cận nhằm phát huy hiệu quả, năng lực của nhà đóng gói. Thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra và tháo gỡ khó khăn trong việc quản lý, sử dụng nhà đóng gói thanh long của HTX. Hướng dẫn HTX xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhà đóng gói; lưu ý các quy định về sản xuất, sơ chế, đóng gói phải theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm thanh long.

Riêng các HTX được giao nhà đóng gói phải lập sổ sách theo dõi tài sản để quản lý có hiệu quả, không sử dụng tài sản nhà đóng gói vào việc riêng và sử dụng đúng mục tiêu dự án. Việc sửa chữa, nâng cấp nhà đóng gói, HTX phải báo cáo và được sự đồng ý của Sở NN&PTNT và địa phương trước khi thực hiện. Ngoài ra, điều hành hoạt động sản xuất của nhà đóng gói theo đúng các quy định về sản xuất, sơ chế, đóng gói theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm thanh long.

Minh Vân