Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho vùng đất khô hạn

Kinh tế - Ngày đăng : 05:25, 17/08/2022

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, bền vững, kể cả ở những vùng đất khô hạn như Bình Thuận.

Xu hướng nông nghiệp công nghệ cao

Bình Thuận có điều kiện phát triển ngành nông nghiệp toàn diện ở 3 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh, thị trường, giá cả không ổn định; hạn hán, biến đổi khí hậu cũng ngày càng phức tạp, khó lường đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương. “Do đó ngành nông nghiệp Bình Thuận cần phát triển theo hướng hiện đại bền vững, có giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường, hội nhập quốc tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất hữu cơ, gắn với liên kết, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái”, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn nhiệt đới TP. HCM khuyến cáo.

img_5459.jpg
 Dưa lưới trang trại Bình An (Hàm Thuận Nam) sản xuất trong nhà màng

Tại hội nghị giới thiệu công nghệ thiết bị, sản phẩm trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp do Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh tổ chức mới đây đã giúp nhiều bà con nông dân tìm hiểu lĩnh vực mới mẻ này. Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia, công ty chuyên thi công nhà màng (nhà kính), nhà lưới như Công ty Công nghệ Nông nghiệp Xanh, Nhà kính Nguyễn Thành đã giới thiệu các mô hình ứng dụng kỹ thuật, CNC trong nông nghiệp, phù hợp điều kiện khí hậu, thời tiết ở Bình Thuận. Bà con cũng được các kỹ sư chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, hệ thống tưới tiêu, thiết kế chi tiết nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước, bón phân, hệ thống thiết bị điều chỉnh nhiệt độ trong nhà màng phù hợp sản xuất các loại cây trồng nông nghiệp ứng dụng CNC; qua đó giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp CNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

img_5455.jpg
 Nhà màng ứng dụng công nghệ cao được Cty Nhà kính Nguyễn Thành lắp ráp tại Bình Thuận

Theo báo cáo ở hội nghị, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, bắp, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).

Hiệu quả từ các mô hình, ứng dụng

Ở Bình Thuận, một số trang trại ứng dụng CNC trồng dưa lưới, nho… đạt năng suất, chất lượng cao như Bình An Farm (Hàm Thuận Nam). Kỹ sư Hồ Công Bình, Trung tâm Khuyến nông cho biết: “Những năm gần đây, một số mô hình khuyến nông ứng dụng CNC đem lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như mô hình cánh đồng lớn thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại HTX Đức Phú, Lạc Tánh, Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh, với quy mô 172 ha. Giá lúa mua cao hơn thị trường 1.500 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn lúa đại trà trên 25%”. Cùng đó, 12 hộ ở thôn 6, xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc tham gia mô hình do Trung tâm Khuyến nông triển khai trồng 1,3 ha rau ăn lá tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới kết hợp tưới nước tiết kiệm, đạt năng suất hơn 21 tấn/ha. Lợi nhuận thu được từ 1 ha rau trên đạt hơn 158 triệu đồng, cao hơn ruộng rau trồng bên ngoài từ 17 - 44 triệu đồng/ha. Cùng với đó, mô hình trồng, thâm canh thanh long theo giàn kết hợp tưới nước tiết kiệm ở Hàm Thuận Nam được chứng nhận GlobalGAP. Thanh long ở vào năm thứ 3 đang sinh trưởng tốt, cành mập, màu xanh tươi, sẽ ra nhiều trái. Mô hình trên dễ thực hiện cơ giới hóa, thuận tiện phun thuốc trừ sâu bệnh có xuất hiện ít cũng như làm cỏ, bón phân… Kỹ sư Bình cho biết thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng nông nghiệp CNC ở tỉnh; như mô hình ứng dụng CNC của tổ chức, hộ gia đình thông qua địa phương, ngành chức năng được hỗ trợ 40% tổng kinh phí thực hiện.

T. Khoa