Luân chuyển cán bộ, công chức lĩnh vực nhạy cảm

Xã hội - Ngày đăng : 05:27, 18/08/2022

Tâm trạng chung của nhiều cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh hiện nay, nhất là cán bộ, công chức địa chính – xây dựng ở xã, phường lo ngại luân chuyển đến địa bàn khác làm việc sẽ ảnh hưởng chất lượng công việc vì không thông thạo địa bàn.

Nỗi lo luân chuyển địa bàn

Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó quy định danh mục chuyển đổi vị trí công tác từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý đã được UBND tỉnh cụ thể hóa, triển khai trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. 10 huyện, thị, thành phố đã thực hiện như Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, TP. Phan Thiết, nhưng phần lớn mới dừng lại ở việc luân chuyển trong nội bộ cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn. Một số huyện khác như Hàm Thuận Nam đã luân chuyển công chức địa chính - xây dựng giữa các xã, thị trấn trong huyện.

img_3205.jpg

Giữa bối cảnh “nóng” tham nhũng hiện nay, quy định ấy trở nên cấp thiết. Nhiều huyện, thị đang “xốc lại” việc triển khai quy định theo tinh thần nghị định cũng như chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh. Trong đó, Phan Thiết - nơi “nóng” nhất về vấn đề đất đai đã ban hành Kế hoạch 1430 về việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức chuyên môn năm 2022, trong đó chuyển đổi vị trí công tác đối với chức danh công chức địa chính – xây dựng giữa các phường, xã. Phòng Nội vụ thành phố Phan Thiết cho biết: Thời gian qua thành phố đã làm công tác luân chuyển, nhưng mới trong nội bộ. Sắp tới sẽ luân chuyển công chức địa chính – xây dựng giữa các xã, phường.

img_4762.jpg
Lo ngại đến địa điểm khác sẽ ảnh hưởng đến công việc.

18 xã, phường, trong đó 12 xã, phường cấp I, có 3 công chức địa chính – xây dựng; 6 xã, phường cấp II còn lại có 2 công chức phụ trách địa chính - xây dựng. Một người trong số họ sẽ phải luân chuyển đến xã, phường khác theo kế hoạch dự kiến đầu quý III hoặc đầu năm sau. “Nhận được thông tin chúng tôi rất lo vì lâu nay quen làm ở địa bàn mình, bây giờ chuyển đi nơi khác, mọi thứ mới mẻ phải cập nhật mới lại hoàn toàn. Thiết nghĩ giữ nguyên sẽ hay hơn, luân chuyển không chỉ khó làm việc mà dễ xảy ra tiêu cực liên quan đến tham nhũng vặt như: Lo “lót tay” để được ở lại hoặc đến xã, phường gần...”, H và Ph – các cán bộ địa chính xã, phường lo ngại chia sẻ.

Khó bước đầu

Do lĩnh vực địa chính – xây dựng khác với các lĩnh vực khác, là phải am hiểu sâu sắc địa bàn, nắm chắc mọi biến động về đất đai trong từng khu dân cư, nói cách khác, phải tường tận mọi "đường đi nước bước" trong thôn xóm. Chính vì thế, nếu cán bộ địa chính không phải là người sở tại bước đầu sẽ gặp khó khăn. Người từ nơi khác điều đến phải mất cả năm trời mới nắm được địa bàn mình phụ trách. Ví dụ, cán bộ địa chính từ phường Đức Thắng, Lạc Đạo, nơi không có quỹ đất đai rộng lớn chủ yếu quản lý về nhà cửa, xây dựng, luân chuyển đến các xã vùng ven như Thiện Nghiệp, Tiến Lợi, Tiến Thành, nơi diện tích đất đai rộng đang là điểm “nóng” sẽ rất khó, phải mất nhiều thời gian làm quen địa bàn.

Do đó, không quen địa bàn sẽ ảnh hưởng chất lượng công việc vì “trăm hay không bằng tay quen”. Từ không quen dễ dẫn đến sai sót vì nguồn gốc hồ sơ pháp lý đất đai phức tạp. “Người mới về không quen địa bàn, chắc chắn ảnh hưởng chất lượng công việc. Chúng tôi cũng lo, nhưng là chủ trương phải chấp hành”, ông Lê Văn T – Chủ tịch UBND một phường cho biết.

Theo Văn bản số 3846 về thực hiện chuyển đổi chức danh công chức địa chính – xây dựng các xã, phường trên địa bàn thành phố: Dự kiến quý III năm 2022, thành phố sẽ thực hiện việc chuyển đổi công chức, viên chức địa chính – xây dựng giữa các xã, phường.

Nằm trong số 10 huyện, thị, thành phố của tỉnh, Hàm Thuận Nam thực hiện công tác luân chuyển công chức địa chính, tài chính kế toán giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong nhiều năm qua. 13 xã, thị trấn cứ 3 – 5 năm luân chuyển cho nhau 1 lần, điển hình cán bộ địa chính thị trấn Thuận Nam luân chuyển về xã Tân Thuận, rồi Tân Thuận lại luân chuyển về Tân Thành, địa chính xã Mỹ Thạnh lại về thị trấn. “Luân chuyển về xã Tân Thành cách đây 2 năm, ban đầu chúng tôi cũng lo không quen địa bàn, ảnh hưởng đến công việc. Cho đến nay đã ổn định sau nửa năm vừa làm vừa nghiên cứu tìm hiểu địa bàn ”, Trần Xuân Hưng – cán bộ địa chính xã Tân Thành, người có gần 20 năm làm việc ở Tân Thuận trước khi chuyển về Tân Thành cho biết.

Tuy vậy, với địa bàn “nóng” về đất đai như ở các xã ven biển hiện nay, cán bộ địa chính dù mới hay cũ cũng lo. Tân Thành là một trong những xã ven biển “nóng” về đất đai. “Quá trình ký các hồ sơ, tôi rất lo, lỡ có gì xảy ra mình chịu trách nhiệm. Làm lâu năm tại một địa bàn, không cẩn thận rất dễ vi phạm pháp luật...”, Hưng cho biết và nói thêm, luân chuyển cũng có cái lợi và bất lợi. Nhiều đồng nghiệp khác của Hưng trên địa bàn huyện đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc luân chuyển mới.

Lợi nhiều hơn

Ngoài bất lợi về khó khăn trong việc đi lại, không thông thạo địa bàn thì còn có những lợi ích như dễ dàng xử lý trong công việc. Tương tự chủ trương của Bộ Công an triển khai công an chính quy về xã thay thế lực lượng bán chuyên trách địa phương. Công an chính quy là những người ở nơi khác đến không có người thân thuộc nên cứ căn cứ vào luật để giải quyết, xử lý. Chủ trương ấy đang được lòng dân, do vậy công chức địa chính – xây dựng khi luân chuyển đến địa bàn khác cũng như vậy, dễ dàng xử lý vấn đề thu hồi đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, xác nhận giao dịch đất đai, giải quyết tranh chấp khiếu nại... “Trong quá trình làm việc tôi mạnh dạn giải quyết theo đúng quy định, ở địa bàn cũ đôi khi rất khó. Luân chuyển cũng có cái lợi, ngoài nâng cao kiến thức hiểu biết xã hội, nghiệp vụ chuyên môn còn tránh được những vấn đề khác liên quan đến tham nhũng”, Hưng nói.

Điều Hưng chia sẻ đúng với tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm phòng ngừa tình trạng cán bộ công tác tại một vị trí, một bộ phận quá lâu dẫn đến hành vi tiêu cực. Ngoài ra, khắc phục tình trạng cục bộ trong từng địa phương, đơn vị; nhằm kiểm soát công việc lẫn nhau, người làm việc sau kiểm tra công việc của người trước đó, góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực và tăng cường ý thức kỷ luật công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Việc chuyển đổi vị trí công tác không những tạo môi trường, điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế ở những vị trí công tác khác nhau... Đây là biện pháp quan trọng để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện để tiếp cận và thông thạo nhiều lĩnh vực công việc ở nhiều vị trí khác nhau, có năng lực thực tiễn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao khi có yêu cầu.

“Những năm qua, Hàm Thuận Nam thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Thời gian luân chuyển trong vòng 3 – 5 năm, Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện, có văn bản gửi các xã, thị trấn rà soát lại công chức đủ thời gian luân chuyển báo cáo lên phòng. Việc luân chuyển tránh được tình trạng nhũng nhiễu, thiên vị người này người kia, ém hồ sơ...”, ông Lê Hoàng Nhã – Trưởng phòng Nội vụ huyện Hàm Thuận Nam cho biết.

Ninh Chinh