Hàm Thuận Nam không bỏ lỡ cơ hội phát triển
Xã hội - Ngày đăng : 05:48, 18/08/2022
Đánh thức lợi thế
Tháng 6/1983, huyện Hàm Thuận Nam được thành lập. Thời điểm này đời sống nhân dân khó khăn về mọi mặt. Kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp nhưng hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp không chủ động được nguồn nước tưới. Hệ thống giao thông nông thôn nội huyện chủ yếu là đường đất, đường mòn; chưa có công trình thủy lợi nào đáng kể. Bên cạnh đó, trường học, trạm y tế vừa thiếu vừa yếu… Phải đến năm 1990, việc chuyển đổi cây trồng từ trồng cây hàng năm sang trồng cây thanh long đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của huyện, biến mảnh đất này thành “thủ phủ” thanh long của cả nước. Loại cây được xem là “lộc trời" này giúp khát vọng đổi đời của người dân chịu thương, chịu khó nơi đây thành hiện thực. Cũng nhờ thanh long, những căn biệt thự hoành tránh, những ngôi nhà khang trang ở vùng quê đua nhau mọc lên. Những con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa với sự đóng góp của nhân dân ngày một nhiều. Hiện toàn huyện đã có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Đến cuối năm 2021, tổng diện tích cây thanh long trên địa bàn toàn huyện là 14.744 ha với sản lượng đạt 360.000 tấn. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP liên tục được mở rộng. Thanh long hiện diện trong nhóm 12 cây ăn trái chủ lực và là 1 trong 9 loại cây chủ lực của Việt Nam. Trên địa bàn huyện có 6 HTX liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ thanh long và thanh long Hàm Thuận Nam đã xuất qua các thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Mỹ, châu Âu…
Ngoài ra, với điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng khá thuận lợi, trên địa bàn huyện đang phát triển các mô hình dưa lưới ứng dụng công nghệ cao nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, từng bước chuyển đổi và tái cơ cấu cây trồng. Theo kế hoạch, đến năm 2025, huyện Hàm Thuận Nam phấn đấu đạt 50% diện tích thanh long toàn huyện (khoảng 7.500 ha) tham gia cánh đồng lớn; 100% nông dân tham gia cánh đồng lớn được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác và quản lý dịch hại; 100% nông dân cánh đồng lớn thực hiện quy trình sản xuất thanh long theo hướng GAP.
Nhân lên khát vọng phát triển
Trên con đường đổi mới công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, vùng phía bắc của huyện đang phát triển. Trong đó Khu công nghiệp Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II đã thu hút hàng chục dự án. Các ngành nghề cơ khí sửa chữa, sản xuất đồ gỗ, kỹ nghệ sắt, bao bì giấy, nhựa plastic, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản và một số cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản như nước ép và sirô thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo, rượu thanh long góp phần đa dạng hóa sản phẩm của địa phương, làm tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Còn vùng phía tây nam của huyện, đến nay nghề làm gạch ngói xã Tân Lập cũng đang phát triển, hình thành một vùng sản xuất tập trung với hơn 100 cơ sở hoạt động thường xuyên, mỗi năm đem về giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó tiềm năng du lịch của Hàm Thuận Nam đang được “đánh thức”. Ngoài khu du lịch tâm linh núi Tà Cú, huyện có 23 km bờ biển với những bãi cát hoang sơ, những bãi đá vàng tuyệt đẹp, lại thêm Hải đăng Kê Gà được xây dựng từ trăm năm trước. Đã có những tour kết nối du lịch biển, rừng và sinh thái vườn thanh long mở ra. Tất cả đang giúp lượng khách du lịch đến địa phương tham quan, nghỉ dưỡng tăng hàng năm.
Cùng với đó, huyện luôn quan tâm thực hiện huy động các nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Huyện đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để các công trình dự án trọng điểm của Trung ương và của tỉnh trên địa bàn huyện hoàn thành theo đúng kế hoạch. Có thể kể đến Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết; làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà; nâng cấp mở rộng đường ĐT 719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện trên địa bàn xã Tân Thuận, Tân Thành; triển khai các bước để xây dựng hồ chứa nước Ka Pét…
Những thành quả trên là sự hiện diện của các yếu tố: Sự đoàn kết, quyết tâm cùng với những định hướng đúng đắn, phù hợp của Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ. Cách điều hành thông thoáng, biết nắm bắt lấy cơ hội để thúc đẩy tốc độ phát triển của chính quyền và sự phối hợp nhịp nhàng của Mặt trận, các đoàn thể. Mọi thứ vẽ nên một hình ảnh Hàm Thuận Nam đang phát triển toàn diện với hàng nông sản đặc thù, kinh doanh thương nghiệp, văn hóa du lịch song song với phát triển công nghiệp.