Giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tiểu học dạy chương trình mới
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:15, 19/08/2022
Trong năm học mới này (2022-2023), ngành giáo dục tổ chức dạy môn tiếng Anh và môn tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3 thay vì tự chọn như trước đây. Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 3.457/4.193 lớp với tỷ lệ 82,4% từ lớp 3 đến lớp 5 được học tiếng Anh; có 2.020/4.193 lớp với tỷ lệ 48,2% từ lớp 3 đến lớp 5 được học tin học; có 3.737/4.193 lớp với tỷ lệ 89,1% lớp học 2 buổi/ngày. Đây là thuận lợi lớn cho việc triển khai dạy tiếng Anh, tin học theo Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023.
Theo đó, các đơn vị trường học trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện tổ chức dạy học môn tiếng Anh và tin học bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018 năm học 2022 - 2023. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, về cơ sở vật chất toàn tỉnh cơ bản đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới (trong đó có tận dụng phòng học, thiết bị cũ, ưu tiên cho học sinh lớp 1, 2, 3). Về trang thiết bị dạy học, các phòng giáo dục và đào tạo đã tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố chủ trương mua sắm và triển khai các thủ tục đấu thầu mua sắm. Vì từ năm học 2022 - 2023 (từ lớp 3) UBND tỉnh giao việc mua sắm trang thiết bị cho UBND cấp huyện (thị xã, thành phố).
Ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bên cạnh những mặt thuận lợi thì việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành cũng gặp không ít những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh, tin học và công nghệ còn thiếu so với yêu cầu. Cụ thể, qua rà soát, năm học 2022 - 2023 toàn tỉnh có 261 cơ sở giáo dục (trong đó có 243 cơ sở giáo dục tiểu học và 18 trường TH&THCS có lớp tiểu học), với 831 lớp 3. Đối với số giáo viên tiếng Anh hiện có 599 giáo viên, trong đó giáo viên hợp đồng 240 giáo viên, giáo viên còn thiếu là 33 giáo viên. Đối với số giáo viên tin học và công nghệ hiện có là 193 giáo viên, trong đó giáo viên hợp đồng 65 giáo viên, có 79 trường không thể bố trí giáo viên dạy tin học và công nghệ vì chưa có phòng máy tính và giáo viên. Bên cạnh đó, 92,7% giáo viên tiếng Anh, 50,8% giáo viên tin học và công nghệ thuộc diện hợp đồng nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và tính ổn định của đội ngũ. Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số cơ sở giáo dục còn hạn chế, mạng lưới trường lớp phân tán gây khó khăn trong công tác đầu tư cơ sở vật chất và dạy học. Các cơ sở giáo dục ở thành phố, trung tâm các huyện, thị trấn chưa được mở rộng nên sĩ số học sinh/lớp quá đông, vượt quá quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là tại địa bàn TP. Phan Thiết.
Trước những khó khăn đó, ngành giáo dục đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục. Đó là thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 – 2023 đối với môn tiếng Anh, môn tin học là 2 môn bắt buộc, được dạy học từ lớp 3. Dự kiến tổng số giáo viên dạy môn tiếng Anh là 622 giáo viên (biên chế 359 giáo viên, hợp đồng 240 giáo viên), cơ bản đáp ứng việc tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3. Số giáo viên còn thiếu là 33 người sẽ bố trí hợp đồng liên trường để đảm bảo yêu cầu dạy học. Đối với môn tin học và công nghệ, do chỉ có 1 tiết/tuần/lớp nên các trường tiểu học có quy mô vừa và nhỏ sẽ thực hiện phương án dạy liên trường, hoặc bố trí 122 giáo viên kiêm nhiệm tham gia bồi dưỡng để giảng dạy môn này. Theo ông Thái, về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND cấp huyện thực hiện tuyển dụng, hợp đồng, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên và xây dựng các phương án bố trí giáo viên linh hoạt, hợp lý để đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy học theo lộ trình. Bên cạnh đó, thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái, điều động giáo viên môn tiếng Anh, môn tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học (nếu giáo viên THCS thừa).
Song song đó, hướng dẫn các đơn vị tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND huyện, Ban quản lý dự án khẩn trương xây dựng phòng chức năng và trang bị máy tính, tham mưu phòng tài chính cấp kinh phí sửa chữa, mua sắm thiết bị dạy học. Vận động, xã hội hóa hỗ trợ, tu sửa, bổ sung máy tính đã xuống cấp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu việc dạy học tại đơn vị. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan xem xét, tạo điều kiện cấp thêm kinh phí mua sắm, trang bị máy tính, thiết bị phòng tin học, tiếng Anh đối với những trường còn thiếu. Nhất là đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu từ lớp 3 đáp ứng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo.