Phát huy lợi thế cây keo tràm trên đất Tân Đức

Kinh tế - Ngày đăng : 09:36, 17/08/2022

Phát huy tiềm năng lợi thế của vùng đất đồi núi, những năm qua, xã Tân Đức đã khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng theo hướng đẩy mạnh trồng cây keo tràm để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa tăng độ che phủ rừng trên địa bàn. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ nghề trồng rừng nguyên liệu.

Ông Đỗ Thanh Tùng ở thôn 3, xã Tân Đức cho biết: Gia đình ông đã gắn bó với nghề trồng cây keo tràm vài chục năm nay. Từ một gia đình khó khăn, vất vả nhưng nhờ trồng cây keo tràm nên đến nay ông đã có cuộc sống đủ đầy, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Vừa qua, gia đình ông mới khai thác 4,5 ha cây keo tràm thu về 380 triệu đồng. Hiện gia đình ông tiếp tục xuống giống trồng và mở rộng thêm diện tích trồng keo tràm lên 5,5 ha trong mùa mưa năm nay. Theo tính toán, ông Tùng nhận định: Nếu trồng, chăm sóc trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì sau một chu kỳ khoảng 4 năm, gia đình thu lãi 80 - 90 triệu đồng/ha.

z3649549751135_0b07e32d659b816a8c19f9330e201ae8.jpg

Toàn xã Tân Đức hiện có gần 440 ha keo tràm, tăng 16 ha so với năm 2021. Trong năm 2022, toàn xã có 67,5 ha keo tràm trồng mới, đạt 96% chỉ tiêu được giao. Đây là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, vốn đầu tư thấp và chỉ sau 4 - 5 năm trồng có thể thu hoạch. Nếu gia đình nào có điều kiện trồng khoảng 5 - 7 năm thu hoạch thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Cây keo tràm với nhiều lợi thế như: Trồng cây keo tràm cần ít vốn đầu tư, ít phân bón và chỉ vất vả trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, làm cỏ, phát quang từ 1 - 2 đợt mỗi năm và chỉ trong 2 năm đầu chăm sóc là chờ đến thời kỳ khai thác.

#####r

z3649549746018_a508ecca850aaa79a7a801749a355548.jpg

Từ thực tế hiệu quả mang lại của cây keo tràm, nhiều hộ dân trong xã Tân Đức đã tận dụng những vùng đất kém bạc màu, thiếu nguồn nước để phát triển kinh tế trang trại trồng rừng. Đặc biệt là trong những năm gần đây, khi giá cả một số vật tư nông nghiệp như phân bón tăng cao, giá thành sản phẩm lại thấp khiến cho nhiều hộ dân chuyển từ đất trồng cao su, trồng mì, bắp sang trồng keo tràm. Có thể khẳng định: Cây keo tràm ở xã Tân Đức đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, đồng thời góp phần đảm bảo độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn. Bên cạnh đó, với những đặc điểm sinh học riêng, cây keo tràm còn có khả năng làm tăng độ phì nhiêu cho đất, giữ vững hệ sinh thái và góp phần giúp nhiều gia đình thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa và dần ổn định cuộc sống.

Thảo Phong