Sân chơi của những người mê đồ cổ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:04, 22/08/2022

Từ lâu, sưu tầm đồ cổ đã được một số người ở nhiều nơi đam mê, xem đó là thú chơi tao nhã. Cứ từ 8 giờ sáng đến 10 giờ trưa hàng ngày, giữa lòng TP.Phan Thiết, những người yêu đồ cổ, đồ xưa lại tập trung về một góc bên Công viên Tháp nước để thỏa đam mê sưu tầm, giao lưu đồ cổ và trở thành sân chơi quen thuộc nhiều tháng nay.
do-co.jpg
Nhiều người tập trung về Công viên Tháp nước Phan Thiết để mua bán, giao lưu đồ xưa, cổ.

Là người có đam mê sưu tầm đồ cổ lâu năm, anh Võ Đăng Đàm có đam mê sưu tập, nghiên cứu các loại đá quý, răng nanh heo, đồng hồ, hộp quẹt zippo… Cứ thế, càng bỏ công, bỏ sức tìm hiểu, anh Đàm lại càng thêm đam mê, yêu thích tìm hiểu về các giá trị văn hóa, nghệ thuật. Khám phá những thông điệp thời gian ẩn chứa trên những món đồ, để rồi lại mong muốn được sở hữu, lưu trữ nhiều hơn nữa những giá trị văn hóa xưa cũ. Trong quá trình sưu tầm đồ cổ, anh Đàm tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như có khả năng nhìn nhận, đánh giá đồ cổ. Nhờ sự am hiểu của mình, nhiều người tìm đến nhờ anh thẩm định về giá trị các loại đá, đồng hồ cổ, hay các loại đồ cổ khác. Cũng chính anh Đàm là người khởi xướng ra nhóm giao lưu đồ cổ tại đây.

Anh Đàm cho biết, đây là nơi để những người đam mê trưng bày, trao đổi và mua bán những món đồ cổ, hay những món đồ xưa hiếm thấy. Có nhiều người tới đây để tìm mua làm phong phú hơn bộ sưu tập của mình, nhưng cũng không ít người đến chỉ để ngắm nhìn, bình phẩm, thậm chí là tranh luận về niên đại, họa tiết trên các đồ cổ. Họ cho rằng, việc giao lưu những vật cổ như vậy rất có ý nghĩa, ngoài thỏa đam mê thú vui sưu tầm đồ cổ, còn là nơi lưu giữ được các giá trị văn hóa. Bởi vậy, khi đến đây, việc mua bán không phải là điều quan trọng.

Nhiều ngày qua, anh Nguyễn Văn Ngọc thường tranh thủ vào đây để tìm kiếm một chiếc hộp quẹt zippo. Anh Ngọc cho biết, đến đây để tìm kiếm một chiếc hộp quẹt zippo cổ để bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Mặt khác, đến đây để nghe nhiều người bình phẩm, phân tích về một món vật cổ nào đó. “Ai đến đây cũng có thú vui sưu tầm, giao lưu đồ xưa. Nhiều lúc chỉ cần nhìn vào một cái đồng hồ, nhẫn, cái bát xưa là tinh thần cảm thấy sảng khoái”, anh Ngọc kể.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Công thì gọi đây là “thú chơi cổ ngoạn”, là một thú nhàn. Để sở hữu những món đồ cổ, đôi khi không phải có tiền là mua được mà còn phải có duyên. Nhiều người bán rất “quái” khi chỉ bán cho những người họ thích, họ tìm thấy sự đồng điệu. Theo anh Công, để chinh phục thú chơi cổ ngoạn, người chơi phải tự trang bị cho mình kiến thức lịch sử, văn hóa cũng như có những kiến thức về đồ cổ như màu men, vân, hoa văn, hay độ hoen rỉ của đồng…

Nhiều người cũng chia sẻ, những món đồ xưa lần giở ra những câu chuyện rất hay, đều là ký ức một thời mà những người được gọi là “sống hoài cổ” muốn lưu giữ lại. Vì những điều rất thiết thực từ sân chơi này đem lại, để những ai có cùng sở thích, đam mê đều có cơ hội được chia sẻ, phát triển hơn hiểu biết, sở trường của mình. Nhiều người lại bàn luận vui, đời sống hiện đại, những gì “mới” là người ta tìm cách để sở hữu, thế nhưng chẳng phải cái gì hiện đại cũng được lòng thượng đế. Slogan “càng cũ, càng cổ, càng đắt” quả không sai với dân trót đam mê thú chơi đồ xưa, cổ.

MINH NGHĨA