Sổ tay phóng viên: Chờ “Room” tín dụng
Kinh tế - Ngày đăng : 05:35, 23/08/2022
Anh Nguyễn Thanh Tín ở Phan Thiết có cơ sở làm bánh tráng các loại cung cấp cho thị trường Bình Thuận và một số tỉnh, thành trong nước như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng. 2 năm vừa qua do dịch Covid – 19 nên cơ sở anh chỉ hoạt động cầm chừng, hàng không bán được nên doanh thu hạn chế. Anh Tín tâm sự: Đầu năm 2022 khi có chủ trương phục hồi sản xuất, tôi còn dè dặt nên chỉ vay 2 tỷ đồng của ngân hàng L. để tái đầu tư, trong khi tài sản thế chấp được ngân hàng định giá cho vay trên 5 tỷ đồng nhưng tôi suy nghĩ để dành khi nào cần sẽ vay tiếp. 6 tháng đầu năm ngành kinh tế trong nước phục hồi nhanh hơn nhiều người dự đoán, cơ sở của tôi cũng “vào guồng” hoạt động hết công suất, làm ăn có lãi. Gần đây, nhiều doanh nghiệp tăng số lượng đơn hàng nên tôi lên kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ để vay thêm 2 tỷ đồng cũng từ ngân hàng L. nhưng được thông báo là hết “Room”, cơ sở phải chờ ngân hàng cấp trên thêm “Room” mới giải ngân được…
Tương tự như anh Nguyễn Thanh Tín, anh Hà Đức Trí vừa kinh doanh nhà nghỉ vừa làm thầu xây dựng. Những năm trước lượng khách hàng vừa phải nên anh chỉ vay 3 tỷ đồng nhưng mấy tháng gần đây lượng khách du lịch tăng mạnh anh muốn mở rộng nhà nghỉ để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Ngoài ra thời gian gần đây anh nhận thầu xây nhà nhiều gấp đôi 2 năm trước nên rất cần vốn, làm hồ sơ vay thêm 3 tỷ đồng nhưng bị ngân hàng B. từ chối cũng với lý do hết “Room”, anh Trí bộc bạch: Nhân viên và kể cả giám đốc chi nhánh ngân hàng nói tôi cố gắng đợi có “Room” mới sẽ giải ngân liền bởi tôi là khách hàng hạng A của chi nhánh. Tuy nhiên, khi tôi hỏi khoảng thời gian bao lâu có “Room” mới thì không ai trả lời được. Hồ sơ tôi chờ gần 2 tháng nay nhưng vẫn chưa được vay thêm vốn...”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Bình Thuận đã hết “Room” tín dụng. Nguồn tiền cho vay hiện nay gần như chờ khách hàng cũ trả vào và xoay vòng cho khách hàng mới hoặc chính khách hàng trả tiền vay vay lại. Còn cho vay thêm với những khách hàng đang vay rất khó khăn bởi sẽ hạn chế “Room” tín dụng. Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2022 giới hạn tăng trưởng tín dụng là 14%. Và đến nay “Room” tín dụng đã thực hiện đủ. Tuy vậy, 14% không phải là con số cứng mà có thể điều hành linh hoạt bởi đây là công cụ quan trọng hướng tới đa mục tiêu, bảo đảm tăng trưởng nhưng không quá nóng gây sức ép lạm phát. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng các khoản vay. Tuy nhiên, “Room” tín dụng chỉ là một trong những phương án của nhiều phương án khác Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng. Vì vậy đã có nhiều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần tăng thêm “Room” tín dụng để doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có thêm điều kiện phục hồi sản xuất…
“Room” tín dụng là gì? Có thể hiểu đơn giản “Room” tín dụng là giới hạn cho vay của một ngân hàng. Dựa trên mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ phân phối tỷ lệ “Room” tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong nước tùy vào “sức khỏe” tài chính của các ngân hàng như chất lượng tín dụng và hiệu quả quản lý tín dụng…