2K và vắc xin giảm nguy cơ lây Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 11:01, 23/08/2022

Mặc dù Bình Thuận chưa ghi nhận các ca mắc Covid-19 có biến thể phụ BA.4, BA.5, nhưng số ca mắc Covid-19 có chiều hướng gia tăng trong vòng 15 ngày gần đây.

Liên tục tăng 15 ngày gần đây

Nếu như tháng 7/2022, Bình Thuận ghi nhận 63 ca mắc Covid-19, thì chỉ 7 ngày qua (15 - 21/8), toàn tỉnh có 104 ca mắc Covid-19. Số ca mắc trong 7 ngày qua đã tăng 52 ca so với tuần trước (8 - 15/8). Như vậy, trong vòng 2 tuần của tháng 8/2022, Bình Thuận ghi nhận 156 ca mắc Covid-19. Tiếp đó, cả tỉnh ghi nhận 11 ca vào ngày 22/8, 14 ca vào ngày 23/8. Hiện nay, có 69 ca đang điều trị tại nhà và cơ sở y tế, trong đó có 3 ca đang diễn biến nặng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận (2 ca), Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận (1 ca). Đây là số liệu mà các cơ sở y tế nắm bắt và giám sát được. Còn con số thực tế trong cộng đồng có thể sẽ cao hơn, vì có tình huống người dân tự test phát hiện nhiễm bệnh, nhưng bệnh nhẹ tự mua thuốc điều trị, không đến cơ sở y tế hoặc báo cơ sở y tế. Thông qua số liệu trên ít nhiều cảnh báo tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Bình Thuận có chiều hướng gia tăng; đáng chú ý tăng cao trong vòng 15 ngày gần đây.

Theo Sở Y tế, nguyên nhân cố ca mắc tăng cao do nguy cơ dịch bệnh còn tiềm ẩn trong cộng đồng. Trong khi đó, người dân còn chủ quan trong việc phòng chống bệnh. Đó là không đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi tập trung đông người…, tiêm vắc xin phòng Covid-19 chưa đúng lịch. Kháng thể từ tiêm vắc xin phòng Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian và cơ thể sẽ mất khả năng bảo vệ. Tình hình biến thể Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam có nguy cơ lây lan cao. Mặc dù Bình Thuận chưa ghi nhận các ca mắc Covid-19 có biến thể phụ BA.4, BA.5, nhưng số ca mắc đang gia tăng trở lại, có thể gây quá tải hệ thống y tế. Bởi một số bệnh lưu hành khác như cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng… đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính…)

tiem-vx-nhac.jpg
Người dân tiêm mũi nhắc vắc xin phòng Covid-19

Tiêm nhắc để bảo vệ sức khỏe

Theo chuyên gia, hiện nay biến thể phụ BA.4, BA.5 đang dần chiếm tỷ trọng cao cùng với biến thể phụ BA.2. Biến thể phụ BA.4, BA.5 đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch tốt hơn so với biến thể gốc của Omicron. Song hành cùng các biến thể trên xuất hiện tại Việt Nam, biến thể mới BA.2.75 cũng đã xâm nhập vào Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2), khả năng bảo vệ sức khỏe hơn 80%, sau 3- 6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần, nhất là với chủng Omicron. Nếu tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng lại giảm dần từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó, nếu không tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dần và trở về như người chưa tiêm. Nếu xuất hiện chủng Covid-19 mới, thì người dân sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng và có thể tử vong.

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ngành y tế tỉnh theo dõi tình hình dịch bệnh, thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường tiêm vắc xin; giám sát phát hiện sớm, điều trị các trường hợp mắc bệnh hạn chế bệnh nặng, tử vong. Hay nói cách khác, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn), vắc xin, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác” cùng các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Vì vậy người dân cần tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đúng lịch và đủ liều để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

TRANG MINH