Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Chính trị - Ngày đăng : 15:48, 25/08/2022
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Đào Ngọc Dung; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương – Đỗ Ngọc An cùng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Thuận, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16, cả nước có hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với giai đoạn trước. Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. Bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỉ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng, nếu như năm 2013 chỉ có 9 thị trường thì đến nay đã mở rộng lên tới 25 thị trường.
Bên cạnh kết quả đạt được, các ngành, địa phương đã nêu một số hạn chế trong thực hiện Chỉ thị 16. Công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ. Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm; công tác tuyên truyền về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa rộng rãi, chưa kịp thời đến người lao động có nhu cầu.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các địa phương, đơn vị đạt được trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt chú ý đàm phán với các quốc gia.
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước đảm bảo đồng bộ, liên thông, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới; đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa cho người lao động…