Xây dựng Bình Thuận phát triển toàn diện trên chặng đường mới
Chính trị - Ngày đăng : 05:35, 26/08/2022
PV: Đồng chí có thể cho biết sơ nét về “bức tranh” kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của Bình Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong: Như chúng ta đã biết, trước thập niên 90 của thế kỷ XX, Bình Thuận là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, kinh tế tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, lao động còn tập trung trong nông nghiệp và ở nông thôn với tỷ lệ cao, năng suất lao động thấp; đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn.
Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, đoàn kết, thống nhất, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tế phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Sau 30 năm Bình Thuận đã và đang trở thành “một cực” phát triển mới của khu vực duyên hải miền Trung và miền Đông Nam bộ.
Có thể thấy rõ là nền kinh tế của tỉnh ta đã phát triển khá nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Quy mô giá trị GRDP năm 2022 bằng gấp 24 lần năm 1992.
Bên cạnh đó, các nguồn lực cho đầu tư phát triển được huy động nhiều hơn. Tổng vốn đầu tư xã hội được huy động hơn 360 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 22,75%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 8.488 tỷ đồng, trong đó thu nội địa khoảng 7.188 tỷ đồng, bằng gấp 93 lần so với năm 1992. Huy động GRDP vào ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt từ 9-10%. Tỉnh cũng thường xuyên quan tâm mở rộng hợp tác, liên kết thúc đẩy khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là công nghiệp năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao từng bước trở thành ngành kinh tế trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Bình Thuận.
Trong hành trình 30 năm phát triển, Bình Thuận đã nỗ lực khắc phục khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây được coi là bước đột phá khắc chế tình trạng hạn hán, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Những công trình thủy lợi Tà Pao, Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết giai đoạn 1, hồ chứa nước Sông Lũy... đang phát huy hiệu quả tốt với nhiệm vụ tiếp nước, tưới tăng vụ hàng ngàn ha đất sản xuất; cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân...
Ngoài ra nhiều công trình giao thông, trường học, bệnh viện... đã được đầu tư và đưa vào sử dụng có ý nghĩa chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội luôn được quan tâm. Bộ mặt đô thị và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 69/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả khá toàn diện; hệ thống chính trị ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; dân chủ, kỷ cương được phát huy tốt hơn; các phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên và lan tỏa rộng khắp. Kết quả đó góp phần tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy tình hình các mặt của tỉnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.
PV: Là địa phương có tiềm năng về đất đai, du lịch, kinh tế biển, đồng chí có thể cho biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: (i) Công nghiệp; (ii) Du lịch; (iii) Nông nghiệp; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân; phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch”. Theo đó, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 5 nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã quán triệt vừa qua; dồn sức thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Một là, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương của tỉnh gắn với đổi mới mô hình, thúc đẩy tăng trưởng vững chắc theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; chú trọng phát triển kinh tế biển; ưu tiên phát triển 3 trụ cột:
(1) Công nghiệp chú ý tập trung trước hết vào công nghiệp năng lượng sạch, (nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi và kêu gọi đầu tư sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng), công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với bảo vệ môi trường.
(2) Tập trung kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi - giải trí cao cấp, các dự án thương mại, đô thị (đô thị trung tâm, đô thị biển, đô thị nông thôn, đô thị miền núi), nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, các dịch vụ và khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ nhu cầu phong phú, đa dạng của du khách và mở rộng liên kết, giữ vững hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng”.
(3) Nông nghiệp, cần ưu tiên phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, chú ý phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với xây dựng chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm; đánh bắt hải sản xa bờ theo mô hình khai thác - chế biến - dịch vụ hậu cần trên biển gắn với bảo vệ biển, đảo. Kết hợp phát triển kinh tế biển và hệ thống dịch vụ logistics phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông đã được đầu tư. Quá trình phát triển cần coi trọng phát triển hài hòa giữa các vùng nông thôn, miền núi với thành thị, đồng bằng với vùng cao.
Hai là, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành phố khác trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của từng địa phương để cùng phát triển. Chú trọng công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, rừng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; chú trọng xây dựng cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng và bảo đảm tính kế thừa.
Bốn là, tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kể cả hạ tầng công nghệ số. Tập trung thực hiện tốt mục tiêu về chuyển đổi số; phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Năm là, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế và ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Bình Thuận. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao nguồn lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh cải cách hành chính, coi trọng sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Sáu là, chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
PV: Để tỉnh nhà phát triển, công tác kêu gọi, thu hút đầu tư là hết sức quan trọng. Vậy tỉnh ta sẽ có những động thái gì để hỗ trợ, tạo điều kiện và thu hút đầu tư hơn nữa?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, cần huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên 250 ngàn tỷ đồng và phương án Quy hoạch tỉnh dự kiến giai đoạn 2026-2030 cần huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên 490 ngàn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định triển khai một số nhiệm vụ thúc đẩy thu hút đầu tư:
Thứ nhất, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, sẽ triển khai xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phải tính toán sao cho thực hiện đầu tư quy mô hợp lý và các dự án phải có tính lan tỏa, tính động lực phát triển, đóng góp nhiều cho ngân sách.
Thứ hai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các quy hoạch (quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất…); các cơ chế, chính sách về đầu tư; quy trình, thủ tục đầu tư và thực hiện việc công khai minh bạch để doanh nghiệp, nhà đầu tư biết khi đầu tư tại tỉnh.
Thứ ba, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối với trục chính quốc lộ và đường cao tốc sắp hoàn thành đến các vùng trong tỉnh, các khu vực kinh tế trọng điểm, tạo thành mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh và liên thông với các tỉnh bạn, tạo tiền đề để thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, phải làm tốt công tác lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật. Nhà đầu tư được lựa chọn, phải là những nhà đầu tư có năng lực thật sự (năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư…) và có tâm huyết đầu tư. Từ đó mới có sản phẩm đầu tư chất lượng tốt, hiệu quả.
Thứ năm, coi trọng công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường… lấy niềm tin và sự hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp làm thước đo. Hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải dành ít nhất 1-2 buổi làm việc trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Khi làm tốt các công việc nói trên, thì chắc chắn công tác thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chuyển biến tích cực hơn.
PV: Những năm tiếp theo sau chặng đường 30 năm sẽ hết sức quan trọng. Đồng chí có thông điệp gì gửi đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong: Trong bối cảnh mới, Bình Thuận đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Đây là thời điểm chúng ta tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, để phấn đấu về đích sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng luôn có những khó khăn, thách thức mới. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đang mong đợi những quyết sách đúng đắn, để đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, tôi nhắn gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh luôn luôn khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu không ngừng phát triển về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; đời sống và phúc lợi nhân dân ngày càng được nâng cao, người dân dễ dàng tiếp cận với các cơ hội phát triển và hưởng thụ các thành quả của quá trình phát triển, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Để đạt được mục tiêu đó, trước hết:
Cán bộ, công chức, viên chức phải xem khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp như là chính công việc của mình để tận tâm, tận tụy, trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn các kiến nghị của doanh nghiệp và người dân; triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
- Lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương phải chủ động giải quyết theo thẩm quyền xác định và trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách nhà nước. Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng vũ trang toàn tâm, tận tụy thực hiện tốt nhiệm vụ, phát huy tính chủ động, sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đồng thời, cũng không thể thiếu sự đồng hành, chung tay, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà.
Với lòng tin son sắt vào con đường cách mạng và sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã và sẽ nỗ lực phấn đấu để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, để quyết tâm đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững.
* Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!