Đường làng

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:48, 26/08/2022

Tôi về thăm quê vào những ngày cuối tháng tám, khi hè đã chuyển mùa sang thu; dọc theo con đường làng từ quốc lộ 1A rẽ vào xóm bên vùng đất cát độ chừng 2 km là đến nhà.
ttxvn_hoa3.jpg

Hôm nay, đường được bê tông hóa phẳng lỳ, ô tô con có thể chạy vào đến tận nhà. Ít có người biết rằng, vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, đây là con đường lầy lội, sình bùn; nhưng là con đường huyết mạch của người dân 2 xã: Hàm Mỹ và Hàm Kiệm, thuộc huyện Hàm Thuận Nam đưa nông sản như: Khoai lang, đậu phộng, mè, hạt dưa… từ rẫy đất cát về quốc lộ 1A để bán cho các thương lái. Tôi không thể nào quên vào những ngày sắp khai trường, nhà nhà ai cũng vội vàng thu hoạch những lứa nông sản đầu tiên bán lấy tiền mua sắm quần áo, sách vở, bút mực và các vật dụng khác cho các con kịp để tựu trường. Tôi không thể nào quên, cứ chiều chiều đoàn xe bò chở nông sản bon bon trên rẫy đất cát về; đến đoạn sình lầy, họ mất rất nhiều thời gian để qua được quốc lộ. Đoạn đường ngắn, nhưng khi trời mưa, nước đọng cùng với bùn đất và xe bò qua lại thường xuyên đã để lại những hố sâu gây khó khăn cho việc lưu thông. Đặc biệt là những đôi bò sức yếu, xe chở hơi nặng một tý bị kẹt trên đường là không thể tránh khỏi. Một chiếc kẹt thì nhiều xe phía sau phải dừng lại; xe sau giúp xe trước đi qua bằng sức người hoặc cho những đôi bò khỏe hơn kéo hộ. Hiện tượng ùn ứ xe bò chở nông sản trên đoạn đường ngắn này có khi kéo dài từ 16 giờ ngày hôm trước đến 3 hoặc 4 giờ sáng ngày hôm sau. Con đường lầy lội vào mùa mưa, ròng rã đã đi cùng năm tháng tuổi thơ tôi, ghi dấu không biết bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui lẫn lộn có trong cuộc đời này. Giờ đây, khi quay về thăm quê sau bao nhiêu năm xa cách; đoạn đường đã được làm mới, thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Tôi men theo những buổi chiều tà thả hồn mình trôi về quá khứ ở những ngày xa xưa sao thấy mỏng manh gầy guộc như mành tơ cọng chỉ. Lòng chợt thoáng hiện niềm vui vì con đường làng gian nan ngày ấy đã không còn nữa. Hai bên đường giờ đây là những vườn thanh long xanh mơn mởn chạy dài như vô tận, những ngôi nhà kín cổng cao tường được mọc lên theo bụi trần của thời gian năm tháng. Những hàng quán nước, những vựa thu mua thanh long xuất hiện như đùm bọc nhau cùng chung sống. Du khách đi qua hoặc người làng quê xa xứ trở về ai cũng muốn nán lại vài phút giây để ngắm nhìn một làng quê đang trên đường thay da đổi thịt. Dù hôm nay, đời sống của nông dân không được may mắn như trước; giá thanh long rớt sâu và nhiều lúc không được thương lái thu mua trong những năm phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng không phải vì thế mà làng quê thiếu nhựa sống; quê hương tôi luôn trong tư thế sẵn sàng hội đủ các điều kiện để hoàn thành các tiêu chí xây dựng “nông thôn mới” đúng như chủ trương và kỳ vọng của Đảng và nhà nước ta đã đề ra.

Thời gian có lúc nhanh như một cái vẫy tay chào. Mới ngày nào vừa đón xuân năm mới trong đại dịch; thoáng một cái đã sang hè và mùa thu lại về trên đất trời của quê hương. Xã tôi là xã anh hùng, làng tôi đã đi vào quy hoạch nên các dự án về điện, đường, trường, trạm… đã được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Người dân quê tôi không thể giữ lại được những con đường của ngày xưa cũ, không giữ được cho mình những không gian riêng lẻ bên mảnh vườn êm đềm của làng quê; nhưng nếu có mất đi thì chỉ mất vài chục mét đất và sẽ mất luôn sự lạc hậu ở chốn thôn quê. Thay vào đó, đời sống nông thôn sẽ được đi lên từng ngày cùng với sự phát triển của đất nước.

Về thăm quê sau thời gian dài xa nhớ, tôi chạy xe chầm chậm từ đầu làng về nhà, đôi lúc dừng lại hẳn để ngắm nhìn miền quê yêu dấu. Tôi chậm rãi đi trên con đường mới và nhìn quanh bốn bề, hồi tưởng từng đoạn đường của ngày xưa. Lòng tôi chợt nghĩ: Không bao lâu nữa quê hương mình, sau khi trở thành “nông thôn mới” sẽ tiến nhanh trên con đường đô thị hóa. Ai ai cũng mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc giữa làng quê đang trên đường thay da đổi thịt.

Đỗ Văn Cường