Con nuôi cha mẹ…
Đời sống - Ngày đăng : 05:56, 26/08/2022
Con nuôi cha mẹ con tính tháng kể ngày”.
Mùa Vu lan sắp kết thúc mà sao lòng đắng đót trước những câu chuyện trớ trêu của cuộc đời dâu bể. Vẫn tưởng câu ca dao xưa ví von cho vần điệu thế thôi chứ con cái nào đâu quên ơn nghĩa mang nặng đẻ đau, chắt mót từng đồng nuôi con khôn lớn của mẹ cha. Ai dè bao nhiêu hoàn cảnh éo le cứ đập vào mắt, vào tai dồn dập đến ngạt thở. Một tuần chăm cha nằm viện tôi mới ngộ ra được cái xót xa trong lời ca dao xưa.
Mới chân ướt chân ráo vào viện tôi đã nghe kể lại câu chuyện về gia đình người đàn ông giường kế bên vừa bị bệnh viện trả về hồi hai giờ sáng. Nghe nhỏ em bảo ông ấy bị ung thư giai đoạn cuối mà con cái chả đứa nào chăm, đùn đẩy trách nhiệm cho người mẹ kế. “Năm thằng con trai đó”, em tôi nhấn giọng, “cuối cùng chẳng đứa nào chăm cha mà đi vũ trường ăn chơi quay video đăng facebook thôi”. Còn người vợ hai thì cũng chẳng vừa gì, chịu chăm ông vì muốn ông để lại di chúc cái nhà cho mình. Khi bệnh viện trả hồ sơ vì không thể chữa được nữa, ông nôn ra máu mà gọi năm đứa con trai chẳng đứa nào chịu vô.
Thấy cảnh đó, cha tôi cám cảnh thốt rằng “không biết ổng có trụ được đến khi về nhà hay chết trên đường nữa”. Tôi thấy trong đáy mắt cha có nỗi buồn xen lẫn nỗi âu lo. Cũng phải, đang bệnh đau mà thấy hoàn cảnh ngặt nghèo thì sao khỏi lo sợ được. Biết vậy nên mấy chị em thay nhau động viên cha ăn uống bồi bổ, suy nghĩ lạc quan để chiến thắng bệnh tật. Cha chỉ ừ à cho qua chuyện rồi lại quằn quại vì những cơn đau buốt xương buốt óc. Thấy cha đau đớn, chúng tôi không cầm được nước mắt mà chỉ len lén khóc khi ra khỏi phòng, không dám để cha thấy.
Những ngày trong bệnh viện là những ngày tôi rộc đi vì mất ngủ, mất ăn và cũng vì mắt thấy tai nghe nhiều chuyện đớn đau quá đỗi. Phòng kế bên có chị gái cũng tầm 40 tuổi, lúc nào cũng quát mắng người đàn ông dong dỏng cao tay đeo túi truyền dịch khi đi vệ sinh. Nghe cô cùng phòng kể chị ấy đi chăm cha bị ung thư vòm họng vậy mà mỗi tí mỗi quát la. Người già lại bệnh đau lẩm cẩm là chuyện thường, ăn có dây đổ ra, đi tiểu có dơ dáy hay rên đau là chuyện chẳng ai muốn. Thế mà chị cứ hơi tí là la lên như thể ông là gánh nặng của chị. Chị kể với mọi người cả bốn bà dâu chẳng ai đi chăm bắt mình chị đi, khi chia đất đai thì chia cho con trai phần nhiều hơn, vậy mà lúc đau bệnh thì bắt con gái đi chăm. Thiệt khổ, ra cũng vì chuyện tài sản đất cát mới ra nông nổi. Xưa nay nhà nào chẳng quan niệm con trai là con mình, con gái là con người ta nên chia tài sản lúc nào cũng dành phần hơn cho con trai, hiếm nhà chia trai gái đồng đều. Gặp con biết nghĩ thì tài sản chia sao cũng được, quan trọng là công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, khi mẹ cha bệnh đau thay phiên nhau chăm sóc. Không may gặp con suy nghĩ hạn hẹp cứ đem chuyện tài sản ra so đo thành ra anh em tị nạnh nhau cuối cùng chẳng ai chịu chăm cha mẹ. Họ quên rằng cha mẹ mình đã vất vả chắt chiu từng hạt gạo nuôi mình lớn cực khổ ra sao rồi.
Mà thời giờ con cái thường hay quên thì phải. Có vợ có chồng rồi chỉ chăm chăm vun vén cho gia đình riêng quên mất mẹ cha. Như cạnh nhà tôi, nhà nọ có mười người con, tài sản giao hết cho con những tưởng con cái sẽ chăm lo cha mẹ về già, ai dè do chia trưởng thứ không đều sanh ra anh em bất đồng tị nạnh nhau không ai chăm sóc cha mẹ. Cuối cùng người em út chấp nhận chăm cha già với điều kiện hàng tháng điện nước ăn uống mấy anh chị phải hùa nhau chi trả. Ông phân bua với hàng xóm “ổng già chớ tiền ổng nhiều lắm, con cháu tới thăm cho đầy”. Nghe sao đắng lòng dữ thần, tôi phân vân tự hỏi “ủa chớ ông già đó hổng phải cha mình sao mà tính toán chi ly dữ vậy trời?”. Bởi vậy người ta nói “một mẹ nuôi được mười con, mười con bỏ mẹ trong ngàn xót xa” là thiệt chứ không nói quá chút nào.
Chiều nay lướt facebook gặp bài đăng của người bạn cũ thời đại học giờ là sư cô của một ngôi chùa kể rằng phát quà từ thiện mà có chú nọ già yếu rồi đi lãnh, cô phụ chú ràng bao gạo lên xe hỏi ra mới biết chú đã 96 tuổi rồi. Dò hỏi chú cho biết đang chăm vợ trong bệnh viện nghe có phát quà từ thiện nên tới xin lãnh rồi chạy vô viện chăm vợ. Hỏi con cái đâu sao không chăm cô phụ, chú đáp con cái còn lo gia đình riêng nữa, hai vợ chồng tự chăm nhau thôi, chỉ cầu ơn trên cho sức khỏe đặng còn chăm vợ chứ bỏ mình vợ tội nghiệp.
Nhìn mấy tấm hình sư cô chụp thấy dáng vẻ khắc khổ gầy yếu của người đàn ông mà không cầm được nước mắt. Chợt nhớ cha, người vừa rời bỏ mẹ con tôi đi mới hơn chục ngày nay. Lại khóc tu tu như thời còn nhỏ bị cha đánh đòn vì ham coi ti vi ké nhà hàng xóm. Hồi nhỏ khóc vì đau, giờ cũng khóc vì đau nhưng nỗi đau đó không phải ở da thịt mà ở trong tim, đau xót vì giờ đây kinh tế đỡ khó khăn hơn tí thì cha đã đi xa không còn cơ hội chăm sóc cha nữa…