Xúc cảm miền Đông!

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:01, 26/08/2022

Khép lại hành trình về miền Đông trong khuôn khổ Hội diễn “Tiếng hát miền Đông” lần thứ XX- 2022. Thêm một lần nữa, không gian nghệ thuật từ mỗi vùng đất, cho thấy một miền Đông “chịu thương, chịu khó” không chỉ trong cuộc sống, mà còn luôn thay đổi tư duy, sáng tạo trong nghệ thuật.

unnamed-8.jpg
Mua Khát vọng (Bình Thuận)

Cùng với các tỉnh thành khác, Bình Thuận mang đến một chương trình, bám sát chủ đề chung “Miền Đông Nam bộ - Đoàn kết - Phát triển và hội nhập”. 6 tỉnh, thành khu vực miền Đông, vắng Bình Dương nhưng liên hoan vẫn hội đủ sắc màu văn hóa, trong từng điệu múa lời ca và trong từng cung đàn. Ở đó, đủ đầy những giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc anh em vẫn là nguồn tài nguyên vô tận, là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

unnamed-9.jpg
Tiết mục "Tình ca đất Tháp" (Bình Thuận)

Nếu như một Đồng Nai, với lực lượng hùng hậu trẻ hóa và huy động được những giọng hát phong trào quen thuộc. Một Bà Rịa - Vũng Tàu chắt chiu trong từng tiết mục. Khơi gợi được cho người xem những cảm xúc linh thiêng, bất khuất của người anh hùng Võ Thị Sáu. Và có lẽ, chỉ với một tiết mục điểm nhấn của chương trình đã khiến cho người xem hiểu hơn về một vùng đất và con người nơi ấy – Tây Ninh. Xét về thực lực, chương trình nghệ thuật của các đoàn gần như có sự đầu tư, chỉn chu và nghiêm túc. Thế nhưng, cái người thưởng lãm, hay Hội đồng nghệ thuật cần chính là cảm xúc cho người xem, sự mới lạ trong dàn dựng cũng như sự bứt phá trong tư duy của những con người đang gồng gánh trách nhiệm “làm nghệ thuật”.

unnamed-11.jpg
 Tiết mục múa Mẫu Huyền Sơn (Tây Ninh)

Chỉ với “Mẫu Huyền Sơn” (múa), một tiết mục múa tưởng chừng như bình thường nhưng đã đẩy cảm xúc người xem đến đỉnh điểm. Âm nhạc và ngay cả những động tác có phần nguy hiểm đã được biên đạo mạnh dạn thử thách để đưa cảm xúc người xem đến tận cùng. Khó có thể hình dung một tiết mục múa thôi nhưng chẳng cần phải xa xôi để hiểu về Tây Ninh, một thuở khai thiên lập đất. Vùng đất ấy là minh chứng cho những khó khăn chồng chất. Tây Ninh nắng cháy da người, thiên tai hạn hán. Con người cứ thế, lam lũ, chực chờ hy vọng, chấp nhận hy sinh để băng rừng vượt núi cầu mong sự bình yên và phồn thịnh.

unnamed-12.jpg
Đơn vị Tây Ninh

Bình Thuận chuyến đi hội diễn này cũng chẳng thua kém, với những tiết mục được xem là lợi thế. Vì ở đó là sự pha trộn 34 dân tộc anh em sinh sống, sự phong phú, đặc sắc và đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Về tham dự hội diễn “Tiếng hát miền Đông” lần thứ XX năm 2022 tại tỉnh Tây Ninh, đoàn Nghệ thuật Quần chúng tỉnh Bình Thuận chủ đề “Sắc màu hội tụ” gồm nhiều tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Hồn Chăm”, đơn ca “Tình ca đất Tháp”, múa độc lập “Khát vọng”, tốp ca “Bình minh buôn làng”, hát múa mừng “Ngày hội quê ta”… Trong kết cấu chương trình, với 5 tiết mục chỉ có tốp ca Bình minh buôn làng có được giải vàng, tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc giải bạc, hát múa “Ngày hội quê ta” giải bạc. Còn lại 2 tiết mục cứ nghĩ là bản sắc riêng “Tình ca đất Tháp”, múa độc lập “Khát vọng” lại không có giải… vì không còn mới mẻ, thậm chí điểm rất thấp. Cần phải nhìn lại, cần phải có những tư duy sáng tạo hơn trong nghệ thuật. Văn hóa Chăm vốn dĩ có bản sắc riêng. Văn hóa Chăm không phải đại diện cho hết thảy 34 dân tộc anh em trên dải đất Bình Thuận. Và chúng ta đã thật sự khai thác hết những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của chừng ấy văn hóa truyền thống ấy chưa?

unnamed-10.jpg

Văn hóa Chăm sẽ trở nên đặc biệt nếu trong quá trình gìn giữ ấy, luôn sáng tạo, luôn đổi mới. Theo Trưởng ban giám khảo, chia sẻ: “Nghệ thuật là sự kết hợp sáng tạo giữa văn hóa truyền thống với những giá trị mới để hòa nhập và tạo nên sự đặc biệt, chứ không phải cứ duy trì cái cũ, chúng ta sẽ để lại gì cho thế hệ sau”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý để tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức “Năm Du lịch quốc gia 2023”, sự kiện này được xem là dấu ấn tạo sức bật mới cho du lịch Bình Thuận, góp phần gìn giữ và quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh nhà. Quan trọng hơn, khi năm 2024 Bình Thuận sẽ là đơn vị đăng cai Liên hoan “Tiếng hát miền Đông” lần thứ XXI. Hy vọng sẽ có một quá trình dài để chuẩn bị, và chờ đón những thay đổi về trong tư duy nghệ thuật nghiêm túc.

Quang Nhân