Hạt điều và nhập siêu

Kinh tế - Ngày đăng : 11:24, 04/05/2018

BT- 1. Trong khi nhiều nơi trong tỉnh bị mất mùa điều thì tại Đức Linh, Tánh Linh lại khác, những vườn điều ở đây cho năng suất cao hơn nhiều so với năm ngoái. Cụ thể như tại Đức Linh, năng suất điều bình quân đạt hơn 10 tạ/ha, cao gấp ba, gấp bốn so với năm 2017 nhưng giá mua không thấp hơn năm ngoái, vẫn dao động từ 36.000 - 41.000 đồng/kg hạt điều tươi, tùy mua trong những ngày mưa hay ngày nắng. Nhờ có sản lượng nguyên liệu tại chỗ, các cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn hoạt động nhộn nhịp hơn, chủ động hơn vì không phụ thuộc nhiều vào hạt điều nhập khẩu. Không đâu xa, thời điểm này năm trước, điều mất mùa, để thực hiện cho các đơn hàng xuất khẩu, các cơ sở phải nhập hạt điều với số lượng lớn.
                
Chế biến hạt điều xuất khẩu.

Nằm giữa vùng nguyên liệu điều nhưng phải đi mua điều tận nước khác là một nghịch lý không thể chấp nhận. Nhưng điều này đã diễn ra từ lâu, không chỉ mỗi vùng Đức Linh, Tánh Linh mà toàn tỉnh và bây giờ không còn mới lạ nữa. Mấy năm nay, cây điều trong tỉnh không biến động nhiều về diện tích, vì đất trồng điều khó trồng cây khác do trên cao, thiếu nước… nhưng biến động nhiều về sản lượng. Vì thời tiết thất thường nên điều liên tục bị mất mùa. Tính chung, năng suất bình quân không quá 1 tấn/ha, nằm khoảng 800 -900 kg/ha, thấp nhất trong khu vực Đông Nam bộ, vùng đất được xem là thủ phủ của cây điều. Vì thế, với 17.000 ha hiện tại, sản lượng thu về quá ít so với năng suất hoạt động của các cơ sở chế biến trên địa bàn, đó là chưa nói đến lượng thương lái mua hạt điều bán cho các cơ sở ở Đồng Nai, Bình Phước. Do đó mới có câu chuyện một cơ sở chế biến hạt điều không lớn ở Hàm Tân nhưng cũng phải lụy hạt điều nhập khẩu và bị đối tác lừa 9 tỷ đồng mua nguyên liệu từ nước ngoài vừa qua… Thực tế, con số 2,5 tỷ đồng nhập khẩu hạt điều của cả nước so với số kim ngạch thu về 3,5 tỷ đồng trong năm 2017 cho thấy vấn đề nhập khẩu hạt điều đã mang tính phổ biến.

 2. Đâu chỉ mỗi hạt điều, nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như thủy sản, bắp, đậu tương, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su các loại,... cũng nhập từ các nước với sản lượng lớn. Đành rằng, trong thế giới phẳng không còn chuyện ngăn sông cấm chợ hàng ngoại vào trong nước nhưng với thực tế, có nhiều nguyên liệu vẫn có thể sản xuất trong nước lại phải đi nhập khẩu với số lượng lớn như thế là điều trăn trở. Nỗi trăn trở ấy sẽ còn kéo dài thêm về sau này, khi nhìn lại 17.000 ha điều hiện có đều là cây trong giai đoạn chuyển hướng về già cỗi. Liệu vài năm nữa, diện tích trên còn giữ nguyên, khi thời tiết ngày càng thất thường, khi sức đề kháng của cây không còn nhiều và cứ thế, cây đứng choáng đất mà không cho quả hạt, người trồng phải tính toán. Một thực tế khác, hiện tại, dù hạt điều có giá, dù chính quyền cơ sở khuyến khích người dân trồng điều qua hỗ trợ tiền giống nhưng qua số liệu cho thấy không có chuyện tăng diện tích điều để bù cho diện tích già cỗi kia.

Đến lúc ấy, câu chuyện xóa sổ cây điều có thể sẽ xảy ra, các cơ sở chế biến hạt điều hoàn toàn phải nhập khẩu nguyên liệu cũng sẽ xảy ra như một điều đương nhiên. Bởi hiện tại, dù hạt điều xuất khẩu thuận lợi nhưng đó là dành cho các đơn vị xuất khẩu, còn nông dân, người trồng cây điều đang đứng ngoài cuộc, vì thời tiết không ủng hộ, vì sức hút cây điều không bằng cây trồng khác và còn vì nhiều vùng đất khô hạn đã được khai hoang, nhờ có thủy lợi về. Trong thời khắc này, một số ý kiến cho rằng cây điều đã không còn thế mạnh thì nên từ bỏ để dồn sức cho cây trồng khác có thế mạnh. Nhưng như thế quá dễ, điều mọi người quan tâm là nếu thị trường xuất khẩu điều thuận lợi thì các doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều tại tỉnh hoặc lớn hơn có Hiệp hội Điều Việt Nam cần có động thái liên kết với người trồng, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn… để tăng năng suất cây điều là hướng đi vẹn cả đôi đường và không rủi ro.

         
      Hiện    tại dù hạt điều xuất khẩu thuận lợi nhưng đó là dành cho các đơn vị    xuất khẩu, còn nông dân, người trồng cây điều đang đứng ngoài cuộc,    vì thời tiết không ủng hộ, vì sức hút cây điều không bằng cây trồng    khác và còn vì nhiều vùng đất khô hạn đã được khai hoang, nhờ có    thủy lợi về...

Bích Nghị